dd/mm/yyyy

Điện Biên: Nhiều dự án chậm tiến độ do khó giải phóng mặt bằng

Hiện nay nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nguy cơ chận tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là các chủ đầu tư khó giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân không đồng tình với các chính sách, phương án bồi thường, đền bù GPMB. Có hộ so bì chính sách GPMB giữa các dự án với nhau…

Nhiều dự án của tỉnh Điện Biên chậm tiến độ

Trao đổi với phóng viên, ông  Nguyễn Thái Bình  Giám đốc Ban Quản lý Dự án các Công trình Giao thông tỉnh Điên Biên cho biết: "Đơn vị được UBND tỉnh Điện Biên giao làm đại diện chủ đầu tư nhiều dự án giao thông. Tuy nhiên đến nay nhiều dự án đang chậm tiến độ. Vướng mắc không phải do các nhà thầu hay chủ đầu tư mà chủ yếu do không GPMB. Cái khó của chúng tôi là các công trình trên địa bàn huyện nào thì GPMB do huyện đấy phối hợp với chủ đầu tư tiến hành. Vì thế nhiều dự án đến nay vẫn chậm tiến độ, mặc dù vốn đã ghi nhưng các nhà thầu không thể thực hiện được"

Điện Biên: Nhiều dự án chậm tiến độ do khó giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Trần Quốc Cường cùng lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên kiêm tra tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ.

Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện nay đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là công tác thu hồi đất, GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, đến ngày 21/4, diện tích thu hồi mới đạt gần 7,5ha (đạt 23,5% tổng diện tích phải thu hồi). Trên địa bàn huyện Điện Biên cũng mới thu hồi được 29,2ha (đạt 66,8% diện tích thu hồi).

Theo ông Nguyễn Thái Bình thì một số hộ gia đình, cá nhân chưa nhất trí với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Lý do đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi theo Quyết định 02/2015/QĐ-UBND, ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Do quỹ đất tái định cư chưa có để bố trí giao đất. Dẫn đến người dân chậm bàn giao mặt bằng để thi công. Bên cạnh đó, hiện nay hộ gia đình đang sử dụng canh tác đất lúa 2 vụ nhưng có nguồn gốc từ đất lúa 1 vụ. Hộ gia đình đang sử dụng đất trồng cây nhưng quy hoạch là đất rừng hoặc hồ sơ quản lý đất đai, hồ sơ quy chủ đất là đất rừng. 11 hộ sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã phường; hồ sơ địa chính ở các xã lòng chảo được đo đạc từ năm 1995 bằng kỹ thuật thô sơ, có sự sai khác rất nhiều so với hồ sơ đo đạc quy chủ nên mất thời gian xác minh nguồn gốc sử dụng đất…

Điện Biên: Nhiều dự án chậm tiến độ do khó giải phóng mặt bằng - Ảnh 2.

Dự án đường tránh Thanh Luông (Điện Biên) là một trong những dự án bị chậm tiến độ do chưa giải phóng được mặt bằng.

Không chỉ dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và Quốc lộ 12. Hiện nay nhiều dự án khác trên địa bàn Điện Biên, thậm chí cả những dự án trọng điểm đều gặp vướng mắc công tác thu hồi đất, GPMB dẫn đến tiến độ thi công bị chậm so với kế hoạch. Đơn cử Dự án hạ tầng kỹ thuật khung trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m là một trong những dự án trọng điểm của Điện Biên. Quá trình thực hiện GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự đồng thuận, nhất trí của người dân. 

Đa số ý kiến các hộ dân cho rằng giá đền bù, thực hiện thu hồi đất là chưa thỏa đáng nên người dân không chấp nhận phương án thu hồi, đền bù để GPMB. Một số hộ dân có sự so bì về chính sách đền bù, bồi thường giữa 2 dự án nằm gần nhau nhưng chính sách đền bù khác nhau. Cùng với đó, điểm bố trí tái định cư khu đất mới lại có giá rất cao... Vì vậy, dự án bị chậm tiến độ.

Cần tuyên truyền chính sách pháp luật về GPMB cho người dân

Thực tế cho thấy thời gian qua, hầu hết các đơn thư khiếu kiện, khiếu nại đều có liên quan đến đất đai, thu hồi đất, chính sách bồi thường. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa đồng thuận cao với chủ trương thu hồi đất, trong đó có nhiều trường hợp do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Một số trường hợp do có sơ suất trong quá trình đo đạc bồi thường (sai lệch số liệu giữa đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị đo đạc thu hồi đất). Cũng có trường hợp người dân bị tác động (không tích cực) của người khác đã kiến nghị, khiếu nại. Trên thực tế, có nhiều trường hợp người dân khiếu nại cho rằng đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, nhưng số tiền được bồi thường chưa đúng với giá trị thực. Giá đất tăng lên nhưng Nhà nước chưa điều chỉnh kịp thời, trong khi thị trường bên ngoài thì sôi động…

Điện Biên: Nhiều dự án chậm tiến độ do khó giải phóng mặt bằng - Ảnh 3.

Hiện nay trên địa bàn huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên chậm tiến độ chủ yếu chưa có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu.

Thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi sinh kế của nhiều người dân. Do vậy để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cần làm rõ mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi; việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi. Cần đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đo đạc, đền bù, GPMB cần thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục luật định và tạo điều kiện để người dân được hưởng quyền, lợi ích tốt nhất theo quy định pháp luật.

Đồng thời, có quy định rõ ràng về thực hiện tái định cư, bao gồm thủ tục, tiêu chuẩn và chính sách hỗ trợ tái định cư đối với người dân bị thu hồi đất, bảo đảm người dân bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ đầy đủ.

Vinh Duy