Điện Biên: Quyết tâm tinh gọn bộ máy để phát triển

Thanh Tùng
08/02/2025 15:42 GMT +7
Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế: Tinh giảm biên chế mới chủ yếu thực hiện theo nguyện vọng cá nhân, thực hiện chế độ, chính sách chưa đi vào thực chất…


Điểm lại kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết: Thực hiện tinh gọn bộ máy, đầu mối, biên chế trong hệ thống tổ chức của Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, Điện Biên đã giảm 7 đơn vị cấp phòng (tỷ lệ 24,14%); mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện giảm 8 đơn vị cấp phòng (tỷ lệ 26,67%); Trường Chính trị tỉnh giảm 2 đơn vị cấp phòng (tỷ lệ 28,57%). Sau sắp xếp đầu mối đã giảm 15 trưởng phòng, 16 phó phòng và tương đương. Riêng về biên chế của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội (số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước) thực tế tại thời điểm 31/12/2021 là 985 người (so với biên chế giao giai đoạn 2016-2021 giảm 61 người, tương đương 5,83%). Đến năm 2022, biên chế tại cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội của Điện Biên chỉ còn 953 người (giảm 30 biên chế); năm 2023 giảm tiếp 50 biên chế và 2024 giảm thêm 30 biên chế so với 2023. Theo kế hoạch, trong năm 2025 biên chế khối này của Điện Biên chỉ còn 862 (giảm thêm 11 biên chế so với năm 2024).

Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên và lãnh đạo huyện Tuần Giáo kiểm tra tiến độ sinh trưởng cây cà-phê trồng theo mô hình liên kết tại huyện Tuần Giáo. Ảnh: Thanh Tùng

Cùng lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế, song tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đã sắp xếp giảm 34 đơn vị cấp phòng, chi cục và phòng thuộc chi cục. Trong đó, cấp phòng thuộc các sở giảm 8 phòng; chi cục và tương đương giảm 7; cấp phòng thuộc chi cục giảm 19. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết số 16-NQ/TW và Nghị định 120/NĐ-CP của Chính phủ. Bởi vậy, số đơn vị sự nghiệp của Điện Biên sau sắp xếp giảm rõ rệt: Năm 2015, toàn tỉnh có 669 đơn vị, đến năm 2020 giảm còn 582 đơn vị; giai đoạn 2021-2025 tiếp tục thực hiện sắp xếp theo lộ trình, đến cuối năm 2024 chỉ còn 570 đơn vị (giảm 14,8% so với năm 2015). Về biên chế công chức được giao trong giai đoạn 2016-2021 của Điện Biên đã giảm từ 2.327 xuống còn 2.060 (giảm 11,3%). Tổng số người làm việc được giao giai đoạn 2016-2021 giảm từ 22.475 xuống còn 20.553; biên chế công chức năm 2024 giảm 37 so với năm 2023 (hiện có 2.034 người).

Tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa được Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức, các đại biểu là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và lãnh đạo hai huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo đều chung ý kiến cho rằng thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, biên chế… là việc khó bởi tác động trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của từng cá nhân và cả tập thể. Đặc biệt, tại địa bàn các huyện miền núi, biên giới khó khăn như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông thì việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối, biên chế lại càng khó hơn, bởi so với mặt bằng chung trong tỉnh thì trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của cán bộ, công chức ở các huyện này không đồng đều trong khi địa bàn, điều kiện công tác thực tiễn đòi hỏi nhiều yếu tố khác mới đảm đương được công việc. Ví như ở các huyện: Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé… thì ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, lý luận còn đòi hỏi cán bộ phải am hiểu phong tục tập quán, biết tiếng nói đồng bào dân tộc thiểu số mới thuận tiện và làm việc hiệu quả. Vậy nên, nếu dựa vào các điều kiện trình độ, bằng cấp chuyên môn để đánh giá khả năng công tác của cán bộ ở các địa bàn đặc thù sẽ là không phù hợp thực tiễn.

Đồng bào dân tộc H'Mông ở điểm bản Huổi Ké, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, vui mừng được về nhà ở mới sau trận lũ quét lịch sử tại địa bàn. Ảnh: Thanh Tùng

Đồng tình với ý kiến lãnh đạo các sở, ngành và các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường đã nhấn mạnh: Sắp xếp, tinh gọn tổ chức, biên chế là việc khó và rất khó vì liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cá nhân, lợi ích tổ chức và ảnh hưởng trực tiếp mỗi con người trong tổ chức. Song với kết quả thời gian qua, đồng chí Trần Quốc Cường cũng khẳng định, còn tình trạng lúng túng trong thực hiện rà soát, kiện toàn, khắc phục chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các bộ phận trong từng ngành, từng cấp; kết quả tinh giản biên chế trong tỉnh mới chỉ chủ yếu thực hiện theo nguyện vọng cá nhân, thực hiện chế độ chính sách chứ chưa đi vào thực chất tinh giản theo yêu cầu nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính Nhà nước; công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm tại một số cơ quan, đơn vị chưa sát thực tiễn nên tinh gọn biên chế chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và chủ động xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế trong thời gian tới, trong tháng 12/2024 tỉnh Điện Biên đã hoàn thiện phương án sáp nhập các sở, ngành theo hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm gọn đầu mối, giảm biên chế trong từng cơ quan, đơn vị. Trao đổi về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Điện Biên, đồng chí Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết: Dự kiến sau sắp xếp các cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh sẽ giảm 2 ban cấp tỉnh và 8 phòng, ban, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh; cấp ủy cấp huyện giảm 6 ban và tương đương; tăng một Đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Tỉnh ủy. Các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Điện Biên thực hiện theo đúng hướng dẫn, gợi ý của Trung ương là sáp nhập các Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ; theo phương án này sẽ giảm 5 sở, 26 phòng và 18 đơn vị trực thuộc. Với các sở, ngành khác không thực hiện sáp nhập thì phải rà soát, sắp xếp lại đầu mối bên trong đảm bảo giảm tối thiểu từ 15-20% đầu mối, biên chế…

Điện Biên xác định thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Ảnh: Thanh Tùng

Riêng đối với cấp huyện hiện nay sẽ thực hiện đúng theo định hướng của Trung ương. Các bộ, ngành sắp xếp như thế nào thì ở cấp cơ sở cũng sẽ tiến hành đồng bộ ngay khi có quyết định. Đồng chí Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên, cho biết: Hiện, các huyện đã hoàn thiện xây dựng phương án sắp xếp đảm bảo đúng hướng dẫn, thời gian và mọi người đều sẵn sàng tâm thế sắp xếp, tinh gọn. Việc quán triệt tinh thần, chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đảm bảo toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ổn định công tác; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ do tổ chức phân công, điều động.

Đề cập các mục tiêu phát triển kinh tế, đầu tư, xóa đói giảm nghèo đã được đề ra trong năm 2025: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 10,5%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.062 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 28.000 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17,66% (giảm 4% so với năm 2024)… để tạo nền tảng hiện thực khát vọng “đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”, đồng chí Trần Quốc Cường yêu cầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và địa phương phải coi trọng quán triệt sâu sắc, thống nhất cao về nhận thức, hành động, quyết liệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp tỉnh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; coi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức là “cuộc cách mạng”, là yếu tố quan trọng quyết định kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Đồng chí Trần Quốc Cường đề nghị, ngay sau khi Đề án sắp xếp tổ chức lại bộ máy của tỉnh được Trung ương phê duyệt thì các cấp, các ngành khẩn trương xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu đội ngũ bên trong, bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong nhân dân; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các phần tử xấu lợi dụng để xuyên tạc, chia rẽ nội bộ. Riêng với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải gương mẫu, chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, để “cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa là sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị và là động lực cho sự phát triển của Điện Biên...

Thanh Tùng