"Cần phải đáp trả... bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đảm bảo khả năng răn đe", cơ quan Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Grushko hôm 14/5 cho biết.


Ông cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của Điện Kremlin rằng, phản ứng của Moscow trước khả năng mở rộng của NATO sẽ phụ thuộc vào mức độ của liên minh này trong việc di chuyển các tài sản quân sự về phía Nga cũng như các cơ sở hạ tầng mà nước này triển khai.


Theo ông Grushko, Moscow không có ý định thù địch với Phần Lan và Thụy Điển và không thấy lý do "thực sự" để hai nước này gia nhập liên minh NATO.


Kế hoạch xin gia nhập NATO của Phần Lan, vừa được công bố hôm thứ Năm dấy lên đồn đoán rằng, Thụy Điển cũng sẽ làm như vậy. Điều này sẽ dẫn đến sự mở rộng của NATO - cái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ngăn chặn.


Bất chấp cảnh báo từ Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần khẳng định liên minh sẽ "dang rộng tay chào đón" Thụy Điển và Phần Lan.


Khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được 30 thành viên hiện tại chấp thuận gia hạn lời mời, sau đó tổ chức các cuộc đàm phán thành viên. Quyết định kết nạp thành viên mới cần được toàn bộ các thành viên NATO phê chuẩn. Tuy nhiên, một nước thành viên NATO đã bày tỏ sự phản đối gay gắt việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.


Thổ Nhĩ Kỳ - vốn có quan hệ tốt với Nga - đã nhiều lần chỉ trích các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, vì tiếp nhận các nhóm người Kurd bị Ankara coi là tổ chức cực đoan và những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang bị truy nã.