dd/mm/yyyy

Điện một giá: Ai thiệt, ai lợi?

Phương án điện 1 giá mà Bộ Công Thương đang nghiên cứu, tính toán được cho là có những điểm tích cực, có lợi cho nhóm khách hàng đang tiêu thụ nhiều điện. Tuy nhiên, phương án này có tối ưu hơn giá điện bậc thang hay không vẫn cần nghiên cứu kỹ.
Điện một giá: Ai thiệt, ai lợi? - Ảnh 1.

Phương án giá điện sẽ được cân nhắc để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Giá điện sinh hoạt bậc thang: Bất hợp lý? 


Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, xét một cách tổng quát, phương án điện 1 giá là đúng và chấp nhận được. Làm rõ hơn quan điểm này, ông Ngô Đức Lâm cho hay, theo cơ quan quản lý, giá điện bậc thang hiện nay được đưa ra nhằm 2 mục đích lớn. Một là để thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện khi người dùng càng nhiều phải trả giá điện càng cao và hai là để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.

“Nhưng thực tế, tính giá điện bậc thang để đạt mục tiêu này là chưa hợp lý, bởi khó phân biệt được người giàu, người nghèo để hỗ trợ tiền điện. Chẳng hạn như, những người đi thuê trọ thường là rất đông, 10-20 người dùng chung 1 công tơ nếu họ không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện (vì nhiều lý do), khi đó họ phải trả giá điện rất cao, nhưng họ không phải người giàu.

Nhưng ngược lại, có nhà “đại gia”, con cái ở riêng, 1 hộ chỉ có 2 ông bà già, họ đi du lịch thường xuyên hoặc dùng ít thiết bị, họ giàu nhưng vẫn thuộc diện được hỗ trợ. Như vậy là bất hợp lý” - Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nói và khẳng định, cần có cách thức hỗ trợ người dùng nhiều điện và dùng ít điện theo cách khác, như căn cứ trên tiêu chí hộ nghèo được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, hỗ trợ bằng tiền mặt...

Mặt khác, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng cho rằng, cách tính giá điện chia làm 6 bậc hiện nay hoặc có thể là 5 bậc sắp tới là rối rắm, phức tạp, người dùng khó tự tính toán nên tính minh bạch không cao. “Nếu chia bậc thang thì cần bậc thang khác chứ không phải 5 bậc hay 6 bậc như bây giờ. Cá nhân tôi ủng hộ phương án điện 1 giá” - Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nói.

Trong khi đó, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ: “Vẫn nên duy trì biểu giá điện bậc thang vì ít ra chúng ta cũng nên theo con đường của các nước phát triển trên thế giới”. Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt theo bậc thang bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện.

Theo thống kê của EVN, đời sống của người dân được cải thiện, mức độ sử dụng điện đang ngày càng tăng lên. Năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh một tháng, hiện đã tăng lên 189 kWh. Do điện là nguồn năng lượng không tái tạo nên không được khuyến khích tiêu dùng.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho hay, phương án tính điện bậc thang nhằm đảm bảo tính công bằng. Tuy nhiên, xây dựng bậc thang như thế nào thì cần phải tính toán để phù hợp nhất với từng nước. Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng lo ngại điện một giá sẽ khiến những người tiêu thụ ít điện bị ảnh hưởng, phải trả số tiền lớn hơn, trong khi người dùng nhiều sẽ ủng hộ.

Điện 1 giá: Giá nào?

Ủng hộ phương án điện một giá như Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, còn nhiều bất cập trong phương án giá điện bậc thang. Tuy nhiên, ông cho rằng phương án đồng giá điện sẽ không bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách… nếu không nghiên cứu các phương án hỗ trợ kèm theo. “Áp dụng đồng giá điện và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc miễn phí một phần điện tiêu thụ cho hộ nghèo, hộ chính sách là phương án hợp lý nhất hiện nay” - PGS.TS Nguyễn Minh Duệ nói.

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, một giá điện là khó khả thi với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hiện nay ở Việt Nam. Hiện nay, một số nước như Singapore, Australia… đang áp dụng điện 1 giá, nhưng mức giá họ đưa ra rất cao, không phù hợp với tình hình của Việt Nam. Còn nếu áp dụng một giá điện ở mức thấp, ngành điện khó phát triển bền vững.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu phương án một giá điện và biểu giá lũy tiến được thực hiện song song thì các hộ tiêu dùng ít điện sẽ lựa chọn tính giá bậc thang, còn hộ sử dụng nhiều sẽ chọn phương án một giá để tránh hiệu ứng bậc thang. Theo tính toán, có đến 80% hộ tiêu dùng hiện nay sẽ phải trả tiền điện cao hơn hiện tại nếu lựa chọn phương án một giá.

Cho ý kiến về phương án điện 1 giá, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Quốc Dũng cho biết, cơ quan quản lý sẽ tính toán để đưa ra phương án hợp lý trên cơ sở giá điện bình quân, và dù với phương án nào, hệ thống kỹ thuật của tập đoàn đều đáp ứng và hỗ trợ. Quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền ra sao, EVN sẽ tuân thủ.

Vấn đề đặt ra là nếu một giá thì mức giá nào sẽ phù hợp? Nhiều ý kiến cho rằng, giá điện một giá sẽ ít nhất bằng mức 3 trong bậc thang hiện nay trở lên. Chia sẻ với báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, đơn giá trong trường hợp điện 1 giá sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới. “Mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay, 1.864,44 đồng một kWh” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói.

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, cần tính toán kỹ mức giá nếu áp dụng điện một giá, bởi nếu căn cứ trên giá điện bình quân thì chưa hợp lý, bởi lẽ “theo Luật Điện lực, giá điện bình quân không phải giá cố định mà là giá thay đổi theo thị trường, có lên có xuống, 1 năm ít nhất được 2 lần thay đổi. Chẳng hạn như khi lũ lụt về, cuối năm dôi dư nước, thủy điện phát nhiều thì giá điện bình quân là bao nhiêu? Còn khi nguồn than cho nhiệt điện khan hiếm, phải chạy nguồn điện giá cao thì giá bình quân là bao nhiêu? Giá điện một giá căn cứ vào giá bình quân, nhưng phải có lên, có xuống, mà trước tới nay thì giá điện bình quân mới chỉ tăng chứ chưa hề giảm” - Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nêu quan điểm.


“Phương án tính điện bậc thang nhằm đảm bảo tính công bằng. Tuy nhiên, xây dựng bậc thang như thế nào thì cần phải tính toán để phù hợp nhất với từng nước. Điện 1 giá sẽ khiến những người tiêu thụ ít điện bị ảnh hưởng, phải trả số tiền lớn hơn, trong khi người dùng nhiều sẽ ủng hộ”.

Tiến sĩ Ngô Trí Long (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính)

“Xét một cách tổng quát, phương án điện 1 giá là đúng và chấp nhận được. Theo cơ quan quản lý, giá điện bậc thang hiện nay được đưa ra nhằm 2 mục đích lớn. Một là để thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện khi người dùng càng nhiều phải trả giá điện càng cao và hai là để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo. Nhưng thực tế, tính giá điện bậc thang để đạt mục tiêu này là chưa hợp lý, bởi khó phân biệt được người giàu, người nghèo để hỗ trợ tiền điện”.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương)

“Còn nhiều bất cập trong phương án giá điện bậc thang. Tuy nhiên, phương án đồng giá điện sẽ không bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách… nếu không nghiên cứu các phương án hỗ trợ kèm theo. Áp dụng đồng giá điện và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc miễn phí một phần điện tiêu thụ cho hộ nghèo, hộ chính sách là phương án hợp lý nhất hiện nay”.

PGS.TS Nguyễn Minh Duệ (Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)

“Nếu phương án một giá điện và biểu giá lũy tiến được thực hiện song song thì các hộ tiêu dùng ít điện sẽ lựa chọn tính giá bậc thang, còn hộ sử dụng nhiều sẽ chọn phương án một giá để tránh hiệu ứng bậc thang. Theo tính toán, có đến 80% hộ tiêu dùng hiện nay sẽ phải trả tiền điện cao hơn hiện tại nếu lựa chọn phương án một giá”.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, ĐH Bách khoa Hà Nội)

“Vẫn nên duy trì biểu giá điện bậc thang vì ít ra chúng ta cũng nên theo con đường của các nước phát triển trên thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt theo bậc thang bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện”.

Ông Nguyễn Quốc Dũng (Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN)

Vân Hằng