Tiêu thụ điện tăng 10 triệu kWh/ngày, điện lực Hà Nội đề nghị hạn chế bật điều hòa lúc nắng nóng cao điểm

An Linh Thứ năm, ngày 18/05/2023 14:21 PM (GMT+7)
Sau thông báo yêu cầu người dân hạn chế sử dụng điều hoà giờ cao điểm trưa và tối, đại diện Điện lực Hà Nội cho biết: Đây là biện pháp tiết giảm bởi sản lượng điện đã tăng rất cao do nắng nóng và thiếu điện đang hiện hữu.
Bình luận 0

Hà Nội, TP.HCM đồng loạt khuyến cáo người dân tiết kiệm điện

Điện lực Hà Nội vừa phát đi thông báo đề nghị khách hàng sử dụng tiết kiệm điện, trong đó yêu cầu tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết. Đặc biệt, người dân Hà Nội được yêu cầu hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào giờ cao điểm từ 11 giờ 30 đến 14 giờ 30 phút và từ 20 giờ đến 22 giờ hàng ngày, tức là trong giờ cao điểm nóng nắng, giữa giờ nghỉ trưa, giờ sinh hoạt của nhiều gia đình.

Ngay sau khi thông báo được phát đi, nhiều người dân Hà Nội lo ngại ngành điện có thể cắt điện trong trường hợp quá tải. Việc thời tiết Hà Nội đang ở ngưỡng từ 38 đến 40 độ C như hiện nay, người dân khó có thể từ chối việc sử dụng thiết bị điện công suất cao như điều hoà, quạt hơi nước.

Tiêu thụ điện tăng 10 triệu kWh/ngày, điện lực Hà Nội đề nghị hạn chế bật điều hòa lúc nắng nóng cao điểm - Ảnh 1.

EVN Hà Nội khẩn thiết đề nghị người dân tiết kiệm điện

Theo chị Nguyễn Kim Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội), thông báo của ngành điện khiến chị lo lắng vì nhà có 5 người, hai vợ chồng chị, hai con đã lớn và mẹ chồng trên 70 tuổi. "Các cháu lớn cấp 3 rồi nên không thể ở chung phòng vì một trai, một gái. Giường thì nhỏ, phòng thì chật không thể đổ dồn vào một phòng ngủ được nên vẫn phải duy trì 3 phòng ngủ riêng, cùng 3 điều hoà. Thông báo này của điện lực Hà Nội khiến gia đình rất lo ngại, sợ cắt điện", chị Oanh nói.

Cũng bày tỏ lo ngại về thông báo trên, anh Vũ Tiến Tới (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: "Vẫn biết là việc thiếu điện có thể xảy ra song không vì thế mà có thể không dùng điều hoà được vì người lớn có thể chịu được, nhưng con trẻ thì không".

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Thắng, thành viên Hội đồng thành viên EVN Hà Nội, Giám đốc Kinh doanh điện lực Hà Nội cho biết: Thông báo của điện lực Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung điện đang ở mức hết sức khó khăn, chúng tôi mong muốn người dân, khách hàng cùng chung tay với ngành điện, điều chỉnh thói quen tiêu dùng để hạn chế sản lượng điện tăng cao.

"Thà dùng tiết kiệm, bớt lạnh hơn chút thay vì cảnh chúng ta không còn điện để sử dụng, mất điện", đại diện EVN Hà Nội nêu thực tế. Ông Thắng cho biết, như Tập đoàn EVN thông báo, hiện tại các hồ thuỷ điện ngoài miền Bắc hầu hết hồ ở mực nước chết không phát được điện, nước còn lại chỉ đủ dùng cho thuỷ lợi, đổ ải.

"Chúng tôi đang sử dụng mọi giải pháp, đang cố gắng để không bị mất điện, đủ cung ứng điện cho người dân", đại diện EVN Hà Nội nhấn mạnh.

Về lượng điện tiêu thụ, đại diện EVN Hà Nội cho biết, chỉ trong một hai ngày nắng đỉnh điểm mùa hè, lượng điện tiêu thụ ở Hà Nội đã tăng rất mạnh: "Ngày 16/5 sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội đã đạt ngưỡng là 85 triệu kWh, chỉ trong một ngày đỉnh điểm đã tăng hơn 10 triệu kWh/ngày so với ngày 15/5 (74 triệu kWh/ngày)", ông Nguyễn Xuân Thắng cho hay.

Đại diện EVN Hà Nội cho hay, nếu nhiệt độ ở Hà Nội duy trì trạng thái nắng nóng đỉnh điểm 39 độ C trong 5 ngày thì ngành điện sẽ rất khó khăn, sản lượng tiêu thụ tăng cao sẽ không thể đáp ứng được.

Đại diện EVN hé lộ thông tin EVN Hà Nội sẽ phối hợp với thành phố kêu gọi các cơ quan công sở, cơ quan hành chính, toà nhà tắt hết điện chiếu sáng, điều hoà nơi không thường xuyên sử dụng như hành lang, cầu thang, nhà vệ sinh. Đề nghị người dân đưa hết điều hoà về nhiệt độ 27 độ C nhằm giảm tiêu hao điện năng.

"Đối với điện chiếu sáng, hiện nay chúng tôi đang yêu cầu giảm 30-35% so với thường lệ", đại diện ngành điện lực Hà Nội nhấn mạnh.

Tương tự với Hà Nội, mới đây UBND TP.HCM cũng phát đi "thông báo đặc biệt" yêu cầu các sở ngành, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn trong mùa khô năm nay.

Tiêu thụ điện tăng 10 triệu kWh/ngày, điện lực Hà Nội đề nghị hạn chế bật điều hòa lúc nắng nóng cao điểm - Ảnh 2.

Hồ thủy điện Yaly cạn trơ đấy, lộ cửa xả đập tràn (Ảnh EVN cung cấp).

Đặc biệt, chính quyền thành phố đề nghị hạn chế sử dụng trang phục trang trọng, áo vest… khi làm việc và tham gia họp của cơ quan hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, TP.HCM cũng yêu cầu giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22 giờ tại các tuyến đường có ít phương tiện tham gia giao thông, tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22 giờ.

Các giải pháp cấp bách được đưa ra theo từng nhóm đối với 7 đối tượng, từ cơ quan hành chính, trường học, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chiếu sáng công cộng, các hộ gia đình.

Thiếu điện ở miền Bắc ngày càng hiện hữu

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, TP.HCM khuyến nghị điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút sau khi bắt đầu làm việc và tắt sớm 60 phút trước khi hết giờ.

Đối với các hộ gia đình, cần thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng, bật điều hòa từ 26 độ C trở lên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng khẩn cấp liên quan đến cung ứng trong năm 2023.

Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương, từ tháng 4, dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiệu nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện cung ứng đã tăng cao. EVN nêu ví dụ, từ ngày mồng 1 đến 15/4 sản lượng trung bình đạt 792 triệu kWh/ngày (bằng 100,52% kế hoạch); từ ngày 16 đến 21/4 sản lượng trung bình ngày đạt 823 triệu kWh/ngày (bằng 104,49% kế hoạch).

Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17/4. Trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498MW chạy dầu vào ngày 21/4.

Cảnh báo của EVN cho biết, trong tháng 5, 6, 7 trở đi, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia có thể tăng cao hơn so với kế hoạch.

Trong tình huống cực đoan ở miền Bắc (nhu cầu tiêu thụ tăng cao, sự cố ở các tổ máy, mực nước lớn ở các hồ thủy điện lớn giảm sâu... ), hệ thống điện sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được sản lượng điện tăng cao, công suất phát điện có thể thiếu hụt với số ước tính từ 1.600 MW đến 4.900MW.

EVN cho biết hiện do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Về mực nước các hồ thủy điện, đến ngày 11/5/2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4; có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày),… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5/2023). Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Theo EVN, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm 2023 làm cho nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho lưu lượng nước về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem