Điều gì đang khiến dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam?

T.H
31/10/2024 18:07 GMT +7
Sáng 31/10, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam: Nhận diện cơ hội đầu tư".

Theo các chuyên gia bất động sản, với nền tảng pháp lý từ các luật mới có liên quan, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phục hồi và tăng trưởng bền vững với sự khởi sắc rõ rệt: Dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại, nhiều dự án mới ra mắt thị trường…

Tác động tích cực từ các luật mới

Trong dòng chảy phục hồi này, thị trường bất động sản khu vực phía Nam đang chứng kiến những chuyển biến tích cực, nguồn cung mới được định hình với những dự án chất lượng, có tiềm năng tăng trưởng cao. 

Điều gì đang khiến dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam? - Ảnh 1.

Sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng đang mở rộng không gian cho thị trường bất động sản phía Nam. Ảnh minh hoạ

Giới phân tích đánh giá, sự dịch chuyển về nhu cầu và xu hướng đầu tư đang thể hiện rõ rệt hơn ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Tại Bình Dương, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt và công bố đã tạo ra một tâm thế sẵn sàng để khởi động giai đoạn phát triển mới đầy khát vọng của địa phương. Bên cạnh đó, chưa bao giờ các dự án kết nối vùng, đặc biệt là đường cao tốc và giao thông công cộng, giữa TP.HCM, Bình Dương và cả khu vực Đông Nam bộ đang được các địa phương xúc tiến mạnh mẽ hiện nay, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định rằng, thị trường bất động sản sẽ phục hồi giai đoạn 2025 - 2030. Qua nghiên cứu, ông Chung nhận thấy rằng, cứ mỗi khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai là thị trường bất động sản phục hồi và phát triển mạnh mẽ khoảng 3 - 4 năm sau đó.

Ông lý giải thêm, thị trường bất động sản trầm lắng khi mà khi cung luôn sẵn sàng, còn cầu thì vô cùng lớn, nhưng hai bên không gặp nhau. Chính khi Luật đất đai ban hành đã giúp được cung cầu gặp nhau, tuy không có hiệu lực ngay nhưng chắc chắn sẽ phát huy tác dụng.

PGS.TS Trần Kim Chung khẳng định, vùng tứ giác đô thị Thủ Đức - Long Thành - Biên Hòa - Bình Dương có tiềm năng lớn và đang trên đà phát triển mạnh mẽ về đô thị hóa.

"Với lợi thế về mặt bằng, cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, đây là địa bàn lý tưởng cho phát triển bất động sản nói riêng và đô thị hóa nói chung", ông Chung nhấn mạnh.

Sự dịch chuyển nhu cầu về nhà ở từ trung tâm ra các đô thị vệ tinh

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng đang mở rộng không gian cho thị trường bất động sản phía Nam, thúc đẩy sự dịch chuyển nhu cầu về nhà ở từ trung tâm TP.HCM ra các đô thị vệ tinh như Bình Dương.

Điều gì đang khiến dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam? - Ảnh 2.

Một dự dự án nhà ở tại TP. Dĩ An (Bình Dương) đang được triển khai xây dựng.

"Các dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai quyết liệt sẽ giúp tăng cường liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận và tạo điều kiện cho sự phát triển của các đô thị vệ tinh có giá cả hợp lý hơn", ông Đính nhận định.

Thêm vào đó, bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Sao Việt cho biết: "Nhu cầu sở hữu nhà ở tại Bình Dương ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ những người làm việc tại TP.HCM mong muốn sở hữu căn hộ giá vừa túi tiền nhưng vẫn đầy đủ tiện ích và dễ dàng di chuyển".

Với các khu công nghiệp phát triển và mức thu nhập đầu người cao hàng đầu cả nước, Bình Dương đã thu hút lượng lớn lao động, đồng thời gia tăng nhu cầu nhà ở phục vụ nhu cầu thực tế.

Hội thảo "Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam" đã giúp các nhà đầu tư và chuyên gia nhận diện rõ hơn về tiềm năng phát triển của thị trường. Sự dịch chuyển của dòng tiền vào bất động sản phía Nam, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương, không chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư mà còn đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực.