Điều gì giúp FPT của ông Trương Gia Bình lãi 3.507 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng?

P.V Thứ sáu, ngày 18/10/2019 19:30 PM (GMT+7)
Dưới sự điều hành của ông Trương Gia Bình và các cộng sự, sau 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 20,5% và 28,1% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 19.597 tỷ đồng và 3.507 tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT.

Lợi nhuận của FPT tới từ đâu?

Với kết quả doanh thu và lợi nhuận nêu trên, Công ty CP FPT đã lần lượt hoàn thành 104% và 110,5% kế hoạch lũy kế. Kết quả này là sự ghi nhận với những nỗ lực của ông Trương Gia Bình và các cộng sự trong suốt 9 tháng qua.

Cụ thể, thông tin từ FPT cho thấy, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của doanh nghiệp trong quý III/2019 lần lượt đạt 7.104 tỷ đồng và 1.368 tỷ đồng, tăng 17,7% và 30,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu và LNTT tăng trưởng 20,5% và 28,1% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 19.597 tỷ đồng và 3.507 tỷ đồng, tương đương 104,0% và 110,5% kế hoạch lũy kế.

Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 2.940 tỷ đồng và 2.378 tỷ đồng, tăng 27,7% và 30,1% so cùng kỳ năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.513 đồng, tăng 29,5%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, đạt 17,9% (9 tháng đầu năm 2018 đạt 16,8%).

img

Một góc văn phòng làm việc của Công ty CP FPT.

Nếu phân loại kết quả kinh doanh của FPT theo khối, dễ dàng nhận thấy khối công nghệ vẫn đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của FPT. Cụ thể, khối công nghệ ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 11.068 tỷ đồng và 1.471 tỷ đồng, tăng tương ứng 25,3% và 41,8% so với cùng kỳ, tương đương 104% và 108% kế hoạch lũy kế. Trong đó, doanh thu tại thị trường nước ngoài của khối này đạt 7.796 tỷ đồng, tăng 32,1%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.246 tỷ đồng, tăng 33,9%.

Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này mang lại 2.525 tỷ đồng cho FPT, tăng 35,2% so với cùng kỳ, đóng góp 32,4% tổng doanh thu công nghệ tại thị trường nước ngoài (tỷ trọng này trong 9 tháng đầu năm 2018 là 31,6%).

Khối Viễn thông đạt 7.561 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,6%, đạt 103% kế hoạch lũy kế, LNTT đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 15,2%, tương đương 108% kế hoạch lũy kế. Trong đó, doanh thu và LNTT của mảng dịch vụ Viễn thông lần lượt đạt 7.133 tỷ đồng và 1.074 tỷ đồng, tăng lần lượt 16,8% và 18,4% so với cùng kỳ.

Đối với khối Giáo dục, tính đến ngày 30/9/2018, tổng học sinh trên toàn hệ thống giáo dục FPT đạt khoảng 47.200 học sinh, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn nếu phân loại theo thị trường, một con số khá khả quan sau 9 tháng đầu năm 2019 với FPT, đó là thị trường nước ngoài mang về cho doanh nghiệp 8.221 tỷ đồng doanh thu, tăng 28,5% và 1.344 tỷ đồng LNTT, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng doanh thu và LNTT thị trường nước ngoài đóng góp vào kết quả hợp nhất của Tập đoàn lần lượt đạt 42% và 38%, trong khi cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2018 lần lượt là 39% và 38%.

Những bước chuyển đổi số của ông Trương Gia Bình

Trong tháng 8 năm 2019, FPT đã ký kết 2 hợp đồng dịch vụ chuyển đổi số cho DPD Group - công ty sở hữu mạng lưới chuyển phát lớn thứ 2 châu Âu và RWE – tập đoàn năng lượng hàng đầu tại Đức.

Cụ thể, ngày 29/8/2019, FPT đã ký kết hợp đồng tư vấn chuyển đổi số cho DPDgroup, công ty sở hữu mạng lưới chuyển phát lớn thứ 2 châu Âu, sở hữu con số doanh thu trên 7 tỷ EUR, và là đơn vị thành viên của La Poste, một trong 500 công ty lớn nhất thế giới (Fortune Global 500).

FPT sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu tổng thể hệ thống công nghệ thông tin hiện có của DPDgroup và tư vấn, thiết kế nền tảng công nghệ số IT4EM2 thúc đẩy hoạt động kinh doanh của DPDgroup tại 12 quốc gia châu Âu. Đặc biệt, FPT cũng sẽ tham gia tư vấn phân tích khối dữ liệu khổng lồ của khách hàng để xây dựng kiến trúc dữ liệu giúp hoạt động của công ty được vận hành dựa trên dữ liệu (data-driven business).

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT, đây là một hợp đồng quan trọng khẳng định sự tin tưởng của khách hàng về những hiểu biết chuyên sâu trong mảng logistic, năng lực công nghệ, năng lực triển khai và phương pháp luận chuyển đổi số của FPT.

“Hợp đồng này mở ra cơ hội mới cho FPT trong lĩnh vực tư vấn chuyển đổi số hướng đến mục tiêu Top 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số trong 10 năm tới”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Với RWE, ngày 14/8/2019, FPT và RWE đã ký thỏa thuận cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ số trong vòng 5 năm, từ 2019 – 2024.

Theo đó, FPT sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ mới như vạn vật kết nối (IoT), giải pháp di động (Mobile Solution) và tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) cho RWE. Đồng thời, FPT cũng sẽ đóng vai trò tư vấn và phát triển, bảo trì hệ thống, ứng dụng trên nền tảng SAP.

Ngoài ra, ngày 11/7/2019, FPT đã ký kết thỏa thuận trở thành nhà đầu tư chiến lược Homa Techs Inc., nhà cung cấp thiết bị mạng Kết Nối Vạn Vật (Internet of Things – IoT) và thiết bị nhà/tòa nhà thông minh được tích hợp cùng công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo Tinh Giản. Với thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm và mạng lưới kinh doanh toàn cầu, FPT sẽ cùng Homa Techs hợp tác thúc đẩy phát triển sản phẩm tại khu vực châu Á, trong đó, trọng tâm trước mắt là khu vực Đông Nam Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem