Điều gì giúp xuất khẩu gạo thắng lớn trong năm 2020?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 01/01/2021 13:15 PM (GMT+7)
Nếu như năm 2019, xuất khẩu gạo giảm cả về sản lượng và giá thì năm 2020, hạt gạo Việt liên tiếp lập kỷ lục khi giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,07 tỷ USD, giá gạo luôn cao nhất nhì thế giới, khẳng định vị trí vững chắc là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Bình luận 0

Xuất khẩu gạo: Vươn lên sau thăng trầm

Ngành chế biến, xuất khẩu gạo mở đầu năm 2020 với rất nhiều thuận lợi. Tưởng như trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu thì xuất khẩu sẽ ngừng trệ nhưng tâm lý tích trữ của các quốc gia phòng ngừa dịch bệnh có thể kéo dài đã đẩy giá gạo Việt Nam lên mức cao kỷ lục, thậm chí có lúc vượt cả Thái Lan.

Nếu như năm 2019, ngành chế biến, xuất khẩu gạo có một năm tương đối khó khăn thì chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo vụt trở thành điểm sáng trong khi nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 929.000 tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Hành trình gạo Việt: Từ thăng trầm đến đỉnh vinh quang - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa tại TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây,

"Việt Nam đang thay thế dần các loại gạo phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao để vào thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc… Điều này cũng khẳng định việc Việt Nam đang thay đổi cái nhìn của nhiều nước là chỉ xuất khẩu gạo chất lượng thấp".

TS Nguyễn Quốc Toản

Nhu cầu của các thị trường quá cao do tâm lý tích trữ phòng ngừa dịch bệnh buộc Chính phủ, ngành chức năng phải tạm ngừng xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3/2020 để đánh giá lại nguồn cung trong nước, một bước đi thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.

Ngay sau khi xác định được nguồn cung đủ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khi vụ lúa đông xuân được mùa, bất chấp hạn mặn thậm chí còn khốc liệt hơn năm 2015 - 2016, các địa phương tích cực sản xuất vụ hè thu và Bộ NNPTNT có kế hoạch tăng thêm diện tích lúa thu đông, Chính phủ đã cho phép xuất khẩu trở lại từ 1/5 để đón "sóng" thị trường.

Sau khoảng 1 tháng chững lại, xuất khẩu gạo tiếp tục bùng nổ ở các thị trường, giá gạo Việt liên tục được cải thiện. 

Hồi tháng 8/2020, trong 3 "cường quốc" xuất khẩu gạo trên thế giới là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam ở mức cao nhất. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức gần 500USD/tấn, cao hơn khoảng 20USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.

Tháng 8, 9 loại gạo thơm của Việt Nam cũng chính thức được phép xuất khẩu sang EU với những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), mở ra cơ hội chưa từng có cho gạo Việt. 

Nhờ đó, đến hết năm 2020, gạo là 1 trong 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, một con số kỷ lục.

Năm 2021: Thị trường vẫn sáng?

Hành trình gạo Việt: Từ thăng trầm đến đỉnh vinh quang - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Để, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Phong (Thới Lai, TP.Cần Thơ) sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Huỳnh Xây.

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2020, ngành sản xuất lúa phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạn mặn xâm nhập, thiên tai nên diện tích gieo trồng giảm khoảng 192.000ha. 

Tuy nhiên, sản lượng lúa vẫn đạt 42,8 triệu tấn, giảm khoảng 587.000 tấn nhưng năng suất tăng 0,5 tạ/ha so với năm 2019; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. 

Sản xuất lúa gạo tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 74% (cao hơn so với mức 50% của năm 2015) để nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo Việt. 

Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440USD/tấn năm 2019 lên 496USD/tấn năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT cho biết, trong 11 tháng năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao dù số lượng gạo xuất khẩu đi nước ngoài giảm. 

"Khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019" - ông Nguyễn Quốc Toản thông tin.

Nói về nguyên nhân "bứt phá" ngoạn mục của giá trị gạo Việt, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) phân tích: "Có 3 nguyên nhân khiến gạo Việt Nam có bước phát triển tăng cao như hiện nay".

Thứ nhất, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng.

Thứ hai, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA gần đây là RCEP và với Anh quốc đã tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá.

Thứ ba, năm 2020, tình hình dịch Covid-19 làm suy giảm nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu về lương thực không giảm mà còn tăng, đây cũng là nguyên nhân khách hàng vẫn cần mua gạo Việt Nam".

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, 11 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bên cạnh các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia… doanh nghiệp này cũng đã có thêm nhiều trị trường mới như: Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc, EU…

Tại thị trường châu Á, giá gạo cũng tăng khoảng 10%, trong đó chủ yếu xuất khẩu đi các nước Malaysia, Philippines, Trung Quốc… 

Những triển vọng từ các thị trường cho thấy, năm 2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có khá nhiều cơ hội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem