Điều gì khiến ông Nguyễn Duy Hưng quyết “thâu tóm” cổ phiếu FMC?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 26/11/2018 12:38 PM (GMT+7)
PAN của “ông trùm chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng tiếp tục đăng ký chào mua công khai 4,8 triệu cổ phiếu Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), tương đương 11,85% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, PAN sẽ nắm hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương 45% vốn FMC.
Bình luận 0

img

Công nhân chế biến thực phẩm tại Thực phẩm Sao Ta (FMC) (Ảnh: IT)

Tập đoàn PAN (The PAN Group, PAN) vừa đăng ký chào mua công khai 4,8 triệu cổ phiếu của Thực phẩm Sao Ta, tương đương 11,85% vốn điều lệ. Mức giá chào mua PAN đưa ra là 30.000 đồng/CP, tương ứng với số tiền dự chi khoảng 143 tỷ đồng. Nguồn vốn được PAN lấy từ vốn tự có và nguồn vốn hợp pháp khác.

“Ấn tượng” với FMC?

Theo động thái giao dịch trước đó của PAN, có thể thấy Tập đoàn này mới mua thoả thuận thành công hơn 13,3 triệu cổ phiếu FMC, ứng với 33,15% vốn điều lệ từ PAN Farm. Như vậy, nếu giao dịch lần này thành công, tổng sở hữu của PAN sẽ nâng lên hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương 45% vốn FMC. Không chỉ vậy, một đơn vị thành viên của PAN là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) cũng đang chiếm trên 20,12% vốn, tương ứng gần 8,1 triệu cổ phiếu FMC.

Như vậy, tổng sở hữu của PAN (trực tiếp và gián tiếp) tại FMC sau đợt chào mua này, nếu thành công sẽ tăng lên tới hơn 65% vốn của FMC.

Thực tế, chuyện PAN của ông Nguyễn Duy Hưng muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại FMC đã nhiều lần được ông úp mở. Tại một cuộc trò chuyện thân mật với báo chí gần đây, ông Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ: “Tại sao tôi chọn Sao Ta, mặc dù Sao Ta chỉ là doanh nghiệp có doanh số đứng thứ 3 trong xuất khẩu ngành tôm nhưng tôi ấn tượng ở chỗ đây là doanh nghiệp từ khi thành lập đến nay chưa có bất cứ một scandal nào liên quan đến xuất khẩu, chưa bao giờ bị nước ngoài trả lại bất cứ lô hàng nào. Hơn nữa, Sao Ta cũng là DN có tới 2 anh hùng lao động, cùng góp phần xây dựng nên một Sao Ta như ngày nay, tôi rất ấn tượng...”.

“Tôi nghĩ PAN muốn vươn ra thế giới, muốn hội nhập tốt thì bản thân PAN phải chọn những DN có cùng style như thế, và Sao Ta là một DN đang có hướng đi đúng với PAN. Chứ còn nói nếu muốn về quy mô hay doanh số thì tôi có thể chọn Hùng Vương. Nhưng tôi không chọn vì Hùng Vương không cùng style với PAN...”, ông Hưng chia sẻ.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FMC dù có thông tin chào mua công khai của PAN nhưng vẫn đang giảm trong phiên đầu tuần này, hiện đang ở mức giá 30.350 đồng/CP (giảm 350 đồng, tương đương 1,1%) so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Tuy nhiên, nếu so sánh từ thời PAN chính thức “nhảy” vào mua FMC thì cổ phiếu này đã tăng khá mạnh, gần 40% so với thời điểm Thủy sản Hùng Vương (HoSE: HVG) chính thức rút lui khỏi FMC.

FMC thay đổi thế nào từ khi “vua cá tra” rút vốn?

Còn nhớ, trước đó vào tháng 11.2017, Thủy sản Hùng Vương (HVG) chính thức rút khỏi Sao Ta để nhường chỗ cho Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) và PAN Group (PAN), thương vụ này để lại nhiều suy nghĩ trong giới đầu tư khi FMC thời điểm đó là đơn vị kinh doanh hiệu quả trong hệ thống HVG.

Sau khi “về nhà” với PAN, FMC đã có nhiều thay đổi đáng kể. Trước hết, về mặt quản trị, Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực không còn kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc (TGĐ), thay thế là ông Phạm Việt Hoàng (Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ trước đó) với thời gian 2 năm. Đồng thời,  FMC cũng miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT đối với ông Hà Việt Thắng (Phó Chủ tịch), ông Mã Ích Hưng và Thành viên BKS Nguyễn Thanh Tùng; nhường lại "ghế nóng" cho người của ABT và PAN Group (chiếm lần lượt trên 20% và 30% vốn FCM) là bà Nguyễn Thị Trà My (Phó Chủ tịch) và ông Đặng Kiết Tường vào HĐQT, ông Nguyễn Văn Nguyên vào Trưởng Ban kiểm soát.

Ngoài ra, các chỉ tiêu kinh doanh và chia cổ tức của FMC cũng thay đổi. Cụ thể, cổ tức năm 2017 là 45% bằng tiền mặt (khoảng 148 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2017 chỉ đạt 122 tỷ đồng. Giải thích về việc này, lãnh đạo FMC giải thích đây là “ý chí của cổ đông lớn là HVG”, nên nguồn tiền bù ra để trả cổ tức sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối.

Chưa kể, tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2018 cũng giảm hơn 50%, chỉ còn 20% tiền mặt. Con số này được FMC đưa ra dựa trên kế hoạch doanh thu tiêu thụ đạt 4.350 tỷ đồng (tăng 34% so năm 2017); lợi nhuận trước thuế ít nhất 140 tỷ đồng (giảm nhẹ so mức 142 tỷ đồng năm 2017). Giải thích về kế hoạch lãi thận trọng này, lãnh đạo FMC cho rằng do rút kinh nghiệm từ năm 2017 khi giá cả tôm nguyên liệu không sụt giảm như dự kiến, thậm chí còn tăng nhẹ khiến FMC thiệt hại do ký hợp đồng trước đó.

Như vậy, các chỉ tiêu và áp lực của lãnh đạo FMC rõ ràng sẽ giảm hơn so với thời còn bị chi phối bởi cổ đông lớn là HVG.

Tuy nhiên, không vì thế mà FMC có kết quả kinh doanh sụt giảm. Theo thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu FMC tăng 17% so với cùng kỳ lên mức 2.828 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 128,3 tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ, đồng thời thực hiện 91% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thu về 119,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với 9 tháng đầu năm ngoái, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.018 đồng.

Về tình hình nợ vay của FMC cũng cải thiện đáng kể khi nợ phải trả cũng giảm 99 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 984 tỷ đồng; trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn giảm 243 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FMC cũng tích lũy được gần 155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cùng với 70,5 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem