Điều gì khiến PVN không thể tìm cổ đông chiến lược cho lọc hoá dầu Bình Sơn?

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 06/03/2019 18:27 PM (GMT+7)
“Cơ hội để chúng tôi tìm được cổ đông chiến lược cho PV Oil là trên 90%, PV Power là 50%, Lọc hoá dầu Bình Sơn thì khó hơn. Nhưng 3 tháng để chuẩn bị cho IPO tính từ ngày được phê duyệt, phải chuẩn bị cáo bạch, thông tin, quy trình thì làm sao có thể tìm được cổ đông chiến lược?”, ông Đinh Văn Sơn, thành viên HĐTV PVN chia sẻ.
Bình luận 0

img

Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa của PVN. (Ảnh: Internet)

Chia sẻ với PV và các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí tại buổi Tọa đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành Dầu khí” do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV PVN cho biết, ngành dầu khí đã tham gia quá trình cổ phần hoá trong một thời gian dài.

Đặc biệt, giai đoạn 2005 – 2007, hoạt động cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí đã đạt được thành công lớn.  “Vừa qua, tổng giá trị cổ phần hoá của các DNNN là 22.200 tỷ đồng, riêng 3 doanh nghiệp ngành dầu khí là PV Power, PV Oil, Lọc hoá dầu Bình Sơn đóng góp 16.500 tỷ đồng”, ông Sơn nêu ra con số.

Tuy vậy, bản thân ông Sơn vẫn bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể tìm cổ đông chiến lược cho lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Power và PV Oil.

Ông Đinh Văn Sơn chia sẻ: “Phải nói là rất tiếc, chúng tôi đã mất đi một cơ hội. Cơ hội để chúng tôi tìm được cổ đông chiến lược cho PV Oil là trên 90%, PV Power là 50%, Lọc hoá dầu Bình Sơn thì khó hơn. Nhưng vì sao chúng tôi không tìm được cổ đông chiến lược khi cổ phần hoá, dù mọi thứ đều đã chuẩn bị sẵn sàng?

Đó là bởi theo quy định trước đây trong Nghị định 59/2011/NĐ-CP, thời gian tìm kiếm cổ đông chiến lược chỉ là 3 tháng. Sau này, Nghị định 126/2017/NĐ-CP mới nâng lên 4 tháng. 3 tháng để chuẩn bị cho IPO tính từ ngày được phê duyệt, phải chuẩn bị cáo bạch, thông tin, quy trình thì làm sao có thể tìm được cổ đông chiến lược?

Trong khi đó, nhà đầu tư còn phải tiến hành soát xét. Nhà đầu tư trước khi trở thành cổ đông chiến lược, họ phải mời một đội ngũ chuyên gia thẩm định, đặt câu hỏi cho doanh nghiệp chứ đâu chỉ bỏ tiền ra mua cổ phần. Bản thân họ ngay từ đầu đã xác định phải nắm một tỷ lệ cổ phần nhất định để nắm quyền quản trị doanh nghiệp”.

Từ đây, ông Sơn đề xuất thời gian lựa chọn cổ đông chiến lược cho DNNN cần nâng lên 6 tháng.

img

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc PV Power. (Ảnh: Internet)

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), trong quá trình tìm kiếm quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài và giới thiệu cổ phiếu POW ra quốc tế, PV Power đã chủ động có các buổi gặp gỡ và làm việc với các tổ chức tài chính Châu Âu, các quĩ đầu tư lớn ở London như Fidelity Management, Blackfriar Asset Management.

Bà Bích chia sẻ: "Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược không thành công nhưng quá trình tìm kiếm đã đem lại cho chúng tôi nhiều cổ đông tốt. Chúng tôi đã không uổng công khi minh bạch toàn bộ phương án cổ phần hóa và kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa trong tương lai vào thời điểm roadshow. Chúng tôi cho rằng đó là hoạt động IR đầu tiên của mình trên thị trường chứng khoán".

Đối với sự kiện đưa cổ phiếu POW chuyển từ sàn UpCom lên HOSE, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, việc chuyển sàn niêm yết thực tế đã không diễn ra đúng như kế hoạch, bởi trước đó, PV POWER đặt ra là trong năm 2018. “húng tôi thấy đa phần các cổ đông doanh nghiệp là người nước ngoài và họ thường có kỳ nghỉ dài vào cuối năm, do vậy chúng tôi đã dời kế hoạch niêm yết sàn HOSE đầu năm 2019 nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư”, bà Bích lý giải.

Theo bà Bích, HOSE và HNX dự kiến sẽ “về chung một nhà”, PV Power từng có kế hoạch giữ cổ phiếu POW ở lại HNX chờ hai sàn sáp nhập, song bà cho biết: “Một ngày thôi, tạo cơ hội thanh khoản cho nhà đầu tư chúng tôi cũng làm”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, hoạt động quan hệ cổ đông (IR) hiệu quả sẽ tăng cường tính minh bạch, duy trì mối quan hệ với các cổ đông trung thành và thu hút cổ đông mới, thu hút thêm sự quan tâm của giới đầu tư, phải ánh đúng giá trị doanh nghiệp.

Đứng từ phía doanh nghiệp, bà cũng nêu lên những mặt trái của công tác IR không hiệu quả như: IR không minh bạch, che giấu thông tin, chỉ đưa thông tin một chiều, thông tin không được công bố rộng rãi, công khai, đầy đủ, chính xác, thông tin không được cập nhật thường xuyên hoặc theo định kỳ.

Đối với công tác IR không chuyên nghiệp, bà Bích cho hay việc này sẽ khiến cho các cổ đông ít giao tiếp, không tạo được mối quan hệ tốt với nhà đầu tư; không phản hồi kịp thời ý kiến của cổ đông/nhà đầu tư...

Những yếu tố này, theo Phó Tổng giám đốc PV Power, sẽ khiến cho hoạt động IR không thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và chuyên gia phân tích.

“Các chuyên gia phân tích không có đủ thông tin để làm báo cáo, nhà đầu tư trở nên nghi ngờ về giá trị doanh nghiệp hoặc sẽ khiến cho tính thanh khoản thấp, giá cổ phiếu thấp”, bà Bích nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem