Điều ít biết về biểu tượng thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc

Lê Tiên Long Thứ bảy, ngày 10/10/2020 13:00 PM (GMT+7)
Ít người biết rằng, hiện ở Hà Nội, vẫn có một công trình còn lưu giữ logo của thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp, được sử dụng suốt từ năm 1888 cho đến khi chính quyền Việt Nam DCCH tiếp quản thủ đô.
Bình luận 0

Địa điểm đó là trường PTTH Trưng Vương, ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi trường vốn là trường nữ sinh mang tên vua Đồng Khánh, trước đó là trường trung học mang tên toàn quyền Paul Bert, được xây dựng theo kiến trúc Pháp nằm trên mặt phố Lý Thường Kiệt của thủ đô.

Với hình ảnh kiến trúc ngôi trường được xây dựng từ năm 1928, ta có thể nhìn thấy trên nóc tầng 2 chính giữa của ngôi trường, biểu tượng thành phố Hà Nội được đắp nổi, với những tia lửa mặt trời vươn lên nền trời xanh. Đến ngày nay, biểu tượng này vẫn tồn tại, nhưng sau biến thiên của thời gian, những tia lửa mặt trời không còn, nhưng hình dáng logo vẫn còn nguyên.

Điều ít biết về biểu tượng thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc - Ảnh 1.

Biểu tượng thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp, sử dụng từ năm 1888.

Theo các tài liệu của người Pháp, biểu tượng thành phố Hà Nội được ban hành khoảng năm 1888, theo quyết định của hội đồng thành phố lúc này đã là nhượng địa của thực dân Pháp. 

Nhìn tổng thể, huy hiệu biểu tượng thành phố Hà Nội mang nhiều ảnh hưởng của các huy hiệu thời trung cổ tại châu Âu, với hình chiếc khiên, bên trên là hình tòa thành đặc trưng của phương Tây, toàn bộ tòa thành kết thành vòng tròn vây quanh hình mặt trời.

Hai bên huy hiệu cũng là những họa tiết rất phương Tây, với một bên là nhánh lá sồi, một bên là nhánh lá ô liu. Theo các nhà nghiên cứu, lá sồi là biểu tượng cho sức mạnh, cành ô liu là biểu tượng cho sự thịnh vượng và giàu có.

Điều ít biết về biểu tượng thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc - Ảnh 2.

Biểu tượng thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp, phiên bản đúc hình tròn.

Những chi tiết ở giữa huy hiệu, trên nền chiếc khiên mới thực sự là những hình ảnh đặc trưng của thành phố Hà Nội, với các nét văn hóa và lịch sử đặc sắc. Hai bên là hai con rồng uốn khúc vươn đầu lên trên, quay mặt chầu vào nhau. Chính giữa huy hiệu là một thanh kiếm chống ngược. Phía dưới tấm khiên là hình gợn sóng nước.

Rồng là con vật gắn liền với tên gọi của Hà Nội trước đó – Thăng Long, cũng gắn liều với câu chuyện huyền thoại về vua Lý Thái Tổ dời đô về đây. Thanh kiếm cũng liên quan đến lịch sử Hà Nội qua truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả kiếm cho rùa thần. Hình ảnh thanh kiếm phía trên sóng nước cho thấy ý đồ của người thiết kế muốn nhấn mạnh vào câu chuyện truyền thuyết Hồ Gươm.

Phía dưới nền hình tấm khiên là đường trang trí, với dải ruy băng ghi uốn lượn ghi câu châm ngôn bằng chữ Latin: "Dislecta Fortitudine Prosfera" được dịch ra là "Những thứ ta yêu thích là do lòng dũng cảm khám phá ra".

Huy hiệu này được in trong các loại giấy tờ trao đổi chính thức, trên phần lớn các văn bằng, giấy khen, giấy chứng nhận do Tòa Thị chính thành phố Hà Nội cấp. 

Trong phiên bản huy hiệu được đúc có hình tròn, các chi tiết của huy hiệu có được bố cục và trang trí khác một chút, khi hai nhánh lá cây ở hai bên không vươn thẳng mà được xếp nghiêng theo đường viền của vòng tròn. Tấm khiên cũng được đặt trên một nền hình bản lề mềm mại hơn. Dải ruy băng đặt câu châm ngôn không còn uốn lượn mà được kéo thẳng ra và chỉ nối thêm các nét uốn lượn mềm mại ở hai đầu. 

Phía trên của huy hiệu có khắc thêm dòng chữ "Ville de Hanoi" (thành phố Hà Nội). Nói chung, phiên bản huy hiệu đúc hình tròn mềm mại và mang tính mỹ thuật nhiều hơn phiên bản hình tấm khiên.

Điều ít biết về biểu tượng thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc - Ảnh 3.

Biểu tượng Hà Nội trên nóc trường Trưng Vương hiện nay.

Trong biểu tượng thành phố Hà Nội thời Pháp được đắp nổi thành phù điêu hiện vẫn còn lưu giữ được duy nhất trên nóc trường PTTH Trưng Vương, thì hình ảnh tòa thành phía trên được thể hiện với 5 vọng lâu có lỗ châu mai. Các chi tiết hình sóng nước ở giữa hai con rồng được thể hiện rất rõ nét và nâng lên đến giữa tấm khiên. Trong khi đó, dải ruy băng với câu châm ngôn phía dưới không được thể hiện, có lẽ do bức phù điêu đắp cao và xa quá, đứng dưới đường không thể nhìn thấy rõ chi tiết này.

Sau kháng chiến chống Pháp, quân đội ta về tiếp quản thủ đô, mãi đến tận năm mãi đến năm 1999, thành phố mới công bố biểu tượng chính thức hình Khuê Văn Các, có chữ H cách điệu phía trên, theo mẫu thiết kế của họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn, một Việt kiều sinh sống tại Pháp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem