Điều ngăn cản Trung Quốc lãnh đạo cuộc chiến chống dịch Covid-19 toàn cầu

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ hai, ngày 27/04/2020 13:10 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh Mỹ tập trung đối phó đại dịch Covid-19 ở trong nước, Trung Quốc đang có cơ hội để mở rộng vị thế trên toàn cầu.
Bình luận 0

img

Trung Quốc đã gửi vật tư y tế đến hơn 125 quốc gia trên thế giới.

Theo SCMP, chỉ trong vòng 2 tháng qua, Trung Quốc đã gửi các nhân viên y tế đến 16 quốc gia, hỗ trợ chống dịch Covid-19. Các chuyến đi này kết hợp cùng với sứ mệnh viện trợ vật tư y tế, bao gồm kit xét nghiệm nhanh và đồ bảo hộ.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã gửi vật tư y tế đến hơn 125 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, cũng như tổ chức 70 cuộc đối thoại qua video với sự tham gia của các chuyên gia.

Tuần trước, Trung Quốc tuyên bố hỗ trợ thêm 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi đã đóng góp 20 triệu USD vào đầu tháng 3.

“Trung Quốc muốn thể hiện vai trò dẫn đầu, khi Mỹ để lại khoảng trống trên trường quốc tế”, Ilaria Carrozza, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa Bình Oslo ở Na Uy, nói.

“Thông điệp của Bắc Kinh có thể là Trung Quốc luôn sẵn sàng giúp các quốc gia trên thế giới khi cần thiết”, bà Carrozza nói.

Nicholas Thomas, phó giáo sư của Khoa Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Khoa học Xã hội Hong Kong cho rằng Trung Quốc đang muốn thoát khỏi cái bóng của Mỹ trong vấn đề sức khỏe toàn cầu.

“Mỹ luôn là quốc gia đi đầu trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu, giờ đây buộc phải giậm chân tại chỗ vì tình hình dịch bệnh trong nước”, Thomas nói.

Trong khi Mỹ chưa thể sớm dập dịch Covid-19, Trung Quốc “đang thể hiện ưu thế vì là nước đầu tiên chống dịch thành công”, Thomas nhận định.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng động thái hỗ trợ của Trung Quốc thực ra cũng vì chính lợi ích cho Trung Quốc. “Nếu Bắc Kinh không giúp đỡ các quốc gia khác, dịch bệnh sớm muộn sẽ quay trở lại Trung Quốc, Daniel Lynch, giáo sư tại Đại học Hong Kong, nói.

Một nửa các quốc gia mà Trung Quốc gửi nhân viên y tế đến hỗ trợ chống dịch là các thành viên trong Sáng kiến Vành đai Con đường. Các chuyên gia nhận định, giúp đỡ các nước này chống dịch Covid-19 là giúp bảo vệ lợi ích lâu dài của Bắc Kinh.

Nhưng những sự giúp đỡ của Trung Quốc là chưa đủ để làm thay đổi hình ảnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế. “Trung Quốc muốn thế giới quên đi nguồn gốc dịch bệnh ở Vũ Hán”, Francoir Nicolas, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Viện quan hệ quốc tế Pháp tại Paris, nói.

Ngoài ra, làn sóng các nhà ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bảo vệ hình ảnh của Bắc Kinh cũng có thể gây phản tác dụng. “Trung Quốc cứ tích cực lên tiếng thanh minh, chỉ trích những nghi ngờ chỉ càng làm tổn hại đến các hiệu ứng tích cực mà nhóm nhân viên y tế đem lại”, Nicolas nói.

Jonathan Hillman, giám đốc Dự án Kết nối Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), cũng đồng tình. “Gửi nhân viên y tế và viện trợ vật tư y tế giúp Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, tôi nghĩ mọi người vẫn sẽ không quên nguồn gốc của dịch bệnh”, Hillman nói.

Đa số các chuyên gia đều đồng tình rằng lòng tin với Trung Quốc đang bị xói mòn nghiêm trọng, ngày càng nhiều các quốc gia phương Tây đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc che giấu sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem