Nhiều bà con mình và đặc biệt là du khách nước ngoài tỏ ra rất ngạc nhiên với việc thiên nhiên Việt Nam ta đang dần tịnh bóng và tiếng chim trời. Mới hôm nào, các "sứ giả của bầu trời" - nhiều loài chim đủ kích cỡ, màu sắc, đủ loại tiếng hót - vẫn bao bọc và giúp cuộc sống của chúng ta đẹp một cách nhân ái.

"Đất lành chim đậu". Vậy thì, nay, các loài chim hoang dã đã "bay" đi đâu, sao mà vào Vườn quốc gia rồi Khu bảo tồn nghiêm ngặt cũng vắng bóng và thưa tiếng của các loài chim? Câu trả lời ngắn gọn: chúng đã và đang bị bắn, bẫy, tận diệt bởi những kẻ tham lam ích kỉ, coi thường luật pháp, rồi chứa chim trong các tổng kho để chuẩn bị "hành quyết" phục vụ thú ăn chơi xa xỉ của không ít người.

Loạt bài Điều tra độc quyền sau đây của nhóm Phóng viên Dân Việt sẽ giúp quý vị có thêm cái nhìn cận cảnh vào các lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam, kể cả những khu du lịch sinh thái Vườn cò mà bao năm rầm rập nướng, thui, thịt cò, vạc phục vụ có ngày hàng vài trăm thực khách.

Cả những "thành phố đặc sản chim trời", cả những hệ thống nhà hàng "Chim trời", "Chim to dần" rộng mở trên nhiều tỉnh thành... Tiến tới, chúng tôi đem tài liệu điều tra riêng của mình đặt lên bàn làm việc của cơ quan công an, kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn, để cùng "tập kích" niêm phong, thu giữ, xử lý, mời cơ quan thú y đến kiểm tra, tìm nơi thả các cá thể chim hoang dã đủ điều kiện về với bầu trời bao la của chúng.

Đặc biệt, tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29: Về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã với các chỉ đạo sâu sát và quyết liệt chưa từng có về vấn đề này.

Trước các nguy cơ lây truyền bệnh dịch từ động vật hoang dã sang con người do tiếp xúc gần như bẫy, bắt, giết mổ, chế biến và ăn thịt như thảm họa kinh hoàng mang tên Covid-19 hiện nay, "chiến dịch" kể trên của các nhà báo như một hồi chuông báo động, như ngàn tiếng nói cảnh tỉnh, khi tất cả còn chưa thành quá muộn.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 2.

Với mong muốn điều tra tố cáo nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của nhiều người trong việc "bắn rụng bầu trời": giết hại, ăn thịt các loài chim vô tội để ăn uống như hiện nay, chúng tôi đã có mặt ở nhiều tụ điểm "giam cầm và hành quyết" chim trời lớn của thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Ở miền Bắc nước ta, người dân ai cũng hiểu rằng, "đặc sản" được phân chia rất rõ ràng: thịt vịt cỏ phải về Vân Đình (Hà Nội); thịt mèo về Thái Bình; thịt chó lên Việt Trì; và thịt chim trời thì xưa nay vẫn "nức tiếng và thơm nức mũi" là Phủ Lý, thủ phủ tỉnh Hà Nam và bên cạnh đó, không thua chị kém em là thành phố trung tâm tỉnh Bắc Ninh. Các "thương hiệu" lớn đều ít nhiều mở các chi nhánh tại Hà Nội rồi các đô thị lân cận.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 3.

Lâu nay, nhiều khách vẫn nghĩ đơn giản: chim trời cá nước, ai kiếm được con gì thì ăn. Nhưng nhiều người suy nghĩ sâu hơn thì nghĩ: các loài chim hoang dã làm đẹp không gian với màu sắc, sự sinh động rồi tiếng hót mê hồn của nó từ thượng cổ đến giờ, chúng là bạn nhà nông ân cần bắt sâu bọ phá hoại mùa màng, chúng giúp thụ phấn cho hoa kết trái, giúp gieo hạt cho các cánh rừng mãi xanh tươi. Tại sao lại tận diệt để ăn hết?

Chim di cư là sứ giả bình yên đi khắp địa cầu, một trong các bến đỗ "đất lành chim đậu" của nó là Việt Nam, cả thế giới nghiên cứu và bảo tồn chúng, nay ta ăn có nhẫn tâm với lương tri của nhân loại tiến bộ quá không? Nhất là khi mà, từ tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29 hết sức hợp lòng người, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt cả các loài động vật rừng thông thường (trong có có chim hoang dã), chứ không chỉ các loại trong sách đỏ/ trong danh mục như trước kia.

Điều này không chỉ phục vụ việc bảo tồn loài nhân văn như nhân loại tiến bộ đang làm, mà còn là cơ sở để phòng tránh thực trạng: động vật hoang dã là "vật chủ trung gian" lây truyền các loại dịch bệnh nguy hiểm, kiểu như Covid-19.

"Kiên quyết loại bỏ các khu chợ, các tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật", Chỉ thị nêu rõ.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 4.

Tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, với khu "Nhật Tân" nổi tiếng, chúng tôi cầm máy quay lia hơn một phút dọc một khúc đường ngắn, mà hàng chục nhà hàng thịt "Chim trời" liên tiếp hiện ra.

Gõ cụm từ "chim trời Hà Nam" trên google thì vô số kết quả với các hệ thống nhà hàng quảng cáo ở khắp Hà Nội, Hà Nam và nhiều tỉnh thành hiện ra,với đủ loại thực đơn chim trời được niêm yết, sẵn sàng đem ra giết thịt phục vụ thực khách, thậm chí "ship" tận nhà.

Cô chủ ở quán "Thứ Cò" (thành phố Phủ Lý) tỏ ra cạnh tranh khi tiết lộ, quán bên cạnh mỗi tháng họ bỏ ra 60 triệu đồng "chạy" quảng cáo trên internet. Ông chủ nhà hàng "Bản Cò" thì thẽ thọt: chúng nó tranh giành khách ăn chim, vật lộn với nhau làm gãy cả gương ô tô của người ta cơ mà.

Không biết cơ quan chức năng nghĩ gì và đứng ở đâu, khi mà tình trạng này phổ biến không chỉ ở Hà Nam, mà còn ở khắp cả Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác nữa. Rằng các đối tượng thả sức lập hội nhóm, buôn bán, bẫy bắt, kinh doanh dụng cụ từ nhựa dính, bẫy, lưới, loa, hình nộm chim - cò - vạc, âm thanh giả tiếng chim, thậm chí kinh doanh cả súng săn các loại "giao hàng tận nhà"; rồi bán mua đủ loài chim được pháp luật nghiêm cấm bắt giết.

Theo luật an ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2019 và theo quy định bảo tồn, riêng việc quảng cáo bán các loài cấm kia là đã vi phạm, đã đủ để xử lý. Vậy mà thực trạng vẫn tồn tại trơ trơ: cả ở ngoài đời lẫn trên mạng.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 5.

Thực tế, chỉ cần gõ Google, chỉ cần ấn nút dẫn đường hay nút gọi điện thoại, là chúng tôi được chăm sóc "vô cùng tận tình" bởi các nhân viên bán hàng, nhà hàng, ship chim cò với nhiều loài quý hiếm đến tận nhà. Con sống cả lồng cũng có, mà chế biến đủ món rồi cũng có. Thực đơn với danh sách các loài cấm buôn bán cũng được gửi ngay trong vài giây.

Nếu thích, ấn nút đi theo Google map (dẫn đường qua internet) là đến tận nơi, bãi đỗ xe rộng, nhân viên đon đả. Một số nhà hàng ở Bắc Ninh còn mặc định ngày nào cũng có liền anh liền chị áo mớ ba mớ bảy hát miễn phí "nhạc sống" phục vụ quý khách ăn chim.

Chúng tôi quay phim, đủ xe biển xanh, biển đỏ, trước khi vào "đại yến", các cán bộ giới thiệu chức danh "to tát" của nhau đã vô tình lọt âm thanh và hình ảnh vào máy quay lén của chúng tôi. Nếu ngồi xem nhân viên bán hàng mang chim hoang dã ra tận bàn ăn cho khách xem trước khi cắt tiết và quảng bá… đủ thấy nó rôm rả đáng "sốc" như thế nào.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 6.

Tại Hà Nam, chúng tôi đi theo hệ thống nhà hàng nổi tiếng mang tên "Thứ Cò", giờ thường gắn biển "thương hiệu lớn": Chim To Dần nữa. Cái tên nghe tục tằn, gợi dục ấy phủ kín nhiều "mạng lưới nhà hàng chim trời" miền Bắc nước ta.

Riêng Hà Nội dễ có đến hàng chục quán. Khi vào ăn, người ta sẽ được bày ra từ con chim sẻ, chim ri bé như ngón tay, tiến tới con cu gáy bằng cái chén uống nước, mồng két, le le hay sâm cầm "tiến vua" bằng vốc tay to dần, kịch trần có thể xuất hiện con giang nặng 2kg sau khi làm sạch, chế biến lên tới bàn ăn. Thi thoảng, có cả bồ nông hay ngỗng trời nặng 4-5kg. Có con đeo vòng sắt ghi thông số của các nhà "điểu học" (nghiên cứu chim di cư).

Ngay trước cửa Sân vận động tỉnh Hà Nam, đỗ xe vỉa hè, chặn cửa sân luôn. Một em tự giới thiệu tên H., váy ngắn, mặt tròn "trong sáng" rất… Phật ra chào khách.

Thực đơn đủ loài chim hoang dã, từ các con giang sải cánh dài hơn 1 sải gồm hai cánh tay người trưởng thành đang dang rộng hết cỡ (xem ảnh), đến chim đắt đỏ giá chợ đen mặc định hơn 1 triệu đồng/con như sâm cầm "Tiến Vua", đến tất tật các thứ chim hoang dã khác. Cô "chủ nhà" tên H môi son suốt ngày ngồi vỉa hè khu phố có biển "Thứ Cò" rồi "Chim To Dần" chờ khách.

Cô dẫn khách leo mỏi chân lên tít tầng 3 của khu nhà để xem chim. Trước, họ đều trưng bày chim ở cửa nhà hàng cho khách xem, giờ có "Chỉ thị mới" nên tế nhị lui vào rồi lên tầng 3 cao chót vót giấu. Nhà hàng gần đó, họ vẫn vô tư để ngoài mặt đường nhiều loài chim hoang dã, bảo là để tiếng kêu của chúng thay chủ nhà mời chào khách nhậu.

Dãy lồng dài trên tầng 3 khu nhà hàng của H. sặc sụa mùi hôi của các loài chim: sâm cầm, le le, chích cồ, sâm sen, cu đất, con gì cũng thấy có cả. Vì là hoang dã, cô chủ và cả nhà cô chủ cùng giới thiệu, cũng là quan sát thì biết, khi có ai đó đến gần là lũ chim vốn tự do như bầu trời đồng loạt sợ hãi nhảy ầm ầm, lông bay tung tóe.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 7.

Nếu là chim nuôi như bồ câu thì chúng rất hiền, lặng lẽ nhẫn nại thò mỏ ra khỏi lồng chuồng mà ăn uống thôi. Vả lại, ở Việt Nam hầu như không có trang trại nào đăng kí nuôi hầu hết các loài chim mà H. đang rao bán.

Cảnh giết thịt tanh òm, các con chim mỏ dài cả gang tay nằm sõng soài sau khi bị nhúng vào nồi nước sôi. Con giang H. đang cho mổ để khách chờ lấy, vặt lông moi lòng xong rồi vẫn nặng 1,6kg. Giá "chợ đen" là hơn 1 triệu đồng. H đem cả tải giang ra cho khách xem, các con chim đứng cao tới thắt lưng người lớn. Tất cả đều bị xâu mắt bằng lông của chính chúng, tránh việc chim hoang dã tức tối mổ mù mắt người đến gần. Riêng cái chân và đùi của con chim, dài gần 3 gang tay người lớn.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 8.

Cách dãy la liệt thương hiệu cạnh tranh thật giả mang tên "Thứ Cò" đó không xa, là nhà hàng "Bản Cò", số 184, phố Biên Hòa, TP Phủ Lý. Ông Bản là anh em ruột với ông "Thứ" kể trên. Nay ông Thứ đã chết. Ông Bản đưa chúng tôi đi thăm các dãy lồng to như gian nhà dọc hai bên lối vào nhà hàng.

Tất cả như ngã ngửa vì mùi hôi thối, các tấm bạt mở ra: ông chủ tự hào, hàng chục con diệc xám cao lêu đêu, ngóc cổ cao đến 80cm nhìn khách lạ. Ông chủ bảo, hàng này nhập từ Lào về, ngày mai lại có đợt hàng lớn, bán hết lại nhập. Trong lồng lúc đó, ông giới thiệu: có cả bồ nông trong lồng, có con ông từng giết cho khách ăn, nặng tới 4kg.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 9.

Dãy lồng đến gần trăm con chim cuốc đồng chân cao, mỏ đẹp, lông mượt đang chạy điên đảo tạo nên tiếng rầm rầm "phá ngục". Sâm cầm, cu đất, lũ chim ăn cá đứng trong mấy cái lồng rung bần bật vì lũ hoang dã tức tối. Lũ chim to lớn lênh khênh đi lại, giữa mỗi lồng là cả mâm cá mỗi con to bằng hai ba ngón tay phục vụ khoản ẩm thực của các "nàng" - để tránh bị hao gầy khi chờ thực khách. Dãy lồng nào cũng hai ba tầng, mỗi tầng nhốt rất nhiều cá thể của một loài: cu đất, cuốc đồng, le le, sâm cầm…

Có lẽ chỉ có video kèm bài này mới mô tả hết được cái "Thảo cầm viên" đầy chim hoang dã ở nhà hàng ông "Bản Cò". Ông bảo, chim ở Lào về, ở miền Trung, miền Nam chuyển ra. "Chim bây giờ nhiều hơn hồi hai ba chục năm trước khi nhà tôi bắt đầu kinh doanh, vì trước chưa có hàng nước ngoài và hàng phía Nam "thông thương" tiện lợi như bây giờ đâu".

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 10.

Ông kể danh sách từng thành phần cán bộ, bác sỹ, người Hà Nội hay ăn chim quý ở nhà ông, cũng như việc cơ quan chức năng hay đến kiểm tra rồi sau đó ông có cách để vẫn làm nghề này từ mấy chục năm và vẫn phát đạt. Ông cằn nhằn về cái bọn làm thuê cho nhà ông rồi liên tục mở thêm nhà hàng kiểu "ăn cắp thương hiệu", họ tranh nhau khách, cự nự cáu kỉnh làm gãy cả gương ô tô của khách cơ mà. Mang tiếng chết đi được.

Trước tình trạng trên, nhóm Phóng viên Điều tra Dân Việt đã có mặt ở Trụ sở Công an Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đưa video, báo cáo tình hình; tiếp nhà báo là Trung tá Lê Thị Phóng - đội trưởng một đội nghiệp vụ của đơn vị này.

Vị nữ sỹ quan tỏ ra hết sức tâm huyết và minh bạch. Trong vài chục phút, 2 xe của công an, 2 xe của Dân Việt đã có mặt ở nhà hàng Bản Cò "danh tiếng". Công an phường sở tại, đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Hà Nam cũng được qua trụ sở đón đến hoặc gọi điện đề nghị có mặt phối hợp.

Tuy nhiên, cuối chiều cùng ngày, mấy tiếng đồng hồ trôi qua, không có cách nào để "bắt máy" liên lạc được với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, đơn vị dường như phải có để giám định bước đầu về loài và làm thủ tục xử lý, chúng tôi chẳng đặng đừng phải gọi cho đích thân ông Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, kính đề nghị đồng chí gọi cho đồng chí Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT. Rất rất lâu sau, kiểm lâm mới có mặt.

Chúng tôi buộc phải rút "êm" bớt lực lượng khỏi hiện trường vì các tức tối tiêu cực của phía người bị nhà báo "hóa trang điều tra" trước khi tố cáo.

Và cuộc xử lý mất nhiều tiếng đồng hồ, tận 0h03 phút ngày 5/12/2020, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo đơn vị thuộc Công an Phủ Lý về nội dung "đột kích khu chờ hành quyết chim trời". Kiểm đếm, phân loại, giám định loài gấp, mời thú y đến khám bệnh khẩn trương. Để sáng hôm sau, chọn một vùng mây nước hữu tình, hợp với sinh cảnh của lũ chim khổng lồ và các loài hoang dã khác và… thả chúng về với bầu trời tự do.

Điều tra độc quyền: “Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! - Ảnh 11.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem