Điều tra, kiện phòng vệ thương mại là phổ biến trong thương mại toàn cầu hiện nay

An Linh Thứ sáu, ngày 16/12/2022 07:07 AM (GMT+7)
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại ông Chu Thắng Trung, doanh nghiệp Việt nên quen dần với các cuộc điều tra, khiếu kiện phòng vệ thương mại, coi nó là phổ biến trong thương mại toàn cầu, từ đó xác định chủ động đối diện và phản biện lại nguyên đơn.
Bình luận 0

Báo Dân Việt xin trích đăng trao đổi của ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương về các vấn đề phòng vệ thương mại hiện nay, trong đó có đề cập đến ngành gỗ, một trong những ngành đã, đang và sẽ gặp rủi ro của phòng vệ thương mại.

Điều tra, kiện phòng vệ thương mại là phổ biến trong thương mại toàn cầu hiện nay - Ảnh 1.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương

Thưa ông, các hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đang diễn ra như thế nào trên thế giới? Ngành gỗ có phải là đối tượng dễ bị điều tra phòng vệ thương mại không thưa ông?

- Ông Chu Thắng Trung: Đến nay, ước có khoảng 7.500 điều tra phòng vệ thương mại, xuất nhập khẩu. Trong đó có khoảng 2/3 số vụ điều tra có sự áp dụng phòng vệ thương mại.

Đây là biện pháp được quốc tế cho phép khi nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ nếu như thỏa mãn điều kiện nhất định để khởi động tiến trình. Có thể khẳng định, điều tra phòng vệ thương mại là phổ biến trong hoạt động thương mại quốc tế.

Vậy việc điều tra phòng vệ thương mại có tác động thế nào?

- Chúng ta nghe nói nhiều đến tự do hóa thương mại, bình đẳng giữa các quốc gia, các nước, doanh nghiệp và tiến tới hàng hàng rào thuế quan xuống 0%. Tuy nhiên khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại lại đi ngược lại với xu hướng này.

Đó là có sự phân biệt đối xử giữa quốc gia bị điều tra và không điều tra, thậm chí là có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp với nhau. Đáng chú ý là, bên cạnh việc tăng thuế lên cao, việc điều tra phòng vệ thương mại còn khiến trao đổi thương mại bị gián đoạn, thậm chí không thể tiến hành trao đổi thương mại được. Đó là vấn đề mà chúng ta phải quan tâm đối với phòng vệ thương mại.

Đối với các nước có trao đổi thương mại, xuất khẩu nhiều rất dễ có khả năng bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Vậy ngành gỗ có phải là đối tượng dễ bị áp dụng điều tra không? 

- Tôi phải khẳng định rằng, các sản phẩm gỗ là một sản phẩm có khả năng bị điều tra, thậm chí là nhiều.

Trên thế giới, có nhiều sản phẩm gỗ đã bị điều tra như gỗ tấm, gỗ xẻ, gỗ tròn… Các vụ việc diễn ra rất nhiều và có nhiều tranh luận xung quanh các vụ việc. Các sản phẩm khác như gỗ dán, gỗ MDF… các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra thương mại. Bên cạnh đó, gỗ chế biến cũng là đối tượng bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Trên thế giới các sản phẩm như phản gỗ, gỗ dán tường, gần đây nhất sản phẩm như gỗ sô pha, tủ bếp, tủ nhà tắm, hoặc các sản phẩm như nội thất trong phòng ngủ cũng đã có một số cuộc điều tra. Như vậy, khẳng định lại một nữa, ngành gỗ không bị loại trừ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Ngành gỗ Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp là như thế nào?

- Hiện nay, phòng vệ thương mại có 3 hình thức điều tra, kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.

Kiện chống bán phá giá là khi nước xuất khẩu nhận thấy sản phẩm nhập và bán vào thị trường nội địa có giá bán thấp hơn giá bán tại thị trường trong nước, tạo chênh giá ảnh hưởng đến sản xuất. Hành vi đó gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong ngành của nước nhập khẩu. Họ có đủ điều kiện điều tra, kiện chống bán phá giá.

Trợ cấp là khi hàng hoá xuất khẩu được nhận hỗ trợ từ Chính phủ, ưu đãi thuê đất, vốn…. hành vi này có thể tạo ra điều kiện kiện chống trợ cấp.

Điều tra tự vệ là khi hàng hoá tăng quá nhanh thì các nước nhập khẩu sẽ được quyền áp dụng biện pháp phòng vệ.

Theo chúng tôi nhận định, các nước hiện đang áp dụng 3 biện pháp này và ngành gỗ đang chịu 3 biện pháp điều tra nói trên.

Với ngành gỗ Việt Nam, so với mặt bằng thế giới nhiều nước đi trước chúng ta, họ cũng bị đối diện với các vụ kiện phòng vệ đối với sản phẩm gỗ. Mức thuế tăng cao, dẫn đến hàng hoá các nước xuất khẩu lớn không xuất được trực tiếp sang nước đánh thuế, bắt buộc họ phải chuyển dịch hàng hoá, chuyển dịch thương mại sang nước khác.

Việc chuyển dịch ấy sẽ dẫn đến nước nhập khẩu, đánh thuế đó xem xét việc chuyển dịch có hợp lý không? Chuyển dịch này có tạo giá trị gia tăng đủ lớn ở nước khác hay chỉ là biện pháp lẩn tránh xuất xứ, chuyển dịch đơn giản. Nếu có cơ sở, căn cứ, nước nhập khẩu, đánh thuế cao có thể tiếp tục hoạt động mở rộng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với nước nhận chuyển dịch thương mại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem