Dính đại án Phạm Công Danh, nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình từ danh vọng đến tù tội

Nguyễn Ngân (tổng hợp) Thứ ba, ngày 03/07/2018 07:56 AM (GMT+7)
Với vai trò và trách nhiệm cao nhất, do buông lỏng quản lý bị cáo Đặng Thanh Bình đã tạo điều kiện cho Phạm Công Danh phạm thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ vì dính đến ngân hàng 0 đồng, ngân hàng xây dựng, Phạm Công Danh mà nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình vướng vào lao lý và bị Hội đồng xét xử tuyên án 3 năm tù.
Bình luận 0

Sau những ngày nghị án, 15h chiều 2.7 Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đồng phạm trong vụ thiếu trách nhiệm để Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng cho ngân hàng này. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Đặng Thanh Bình 3 năm tù.

Tại phiên xét xử, bị cáo Đặng Thanh Bình nói lời sau cùng: “Trách nhiệm cá nhân, tôi thấy rằng Viện Kiểm sát cũng đã đánh giá thấu đáo. Trước áp lực lớn của công việc, tái cơ cấu không chỉ sáu ngân hàng yếu kém, nhưng giữ vững được an ninh tiền tệ là điều tôi tự hào. Tuy vậy, tôi ân hận vì mình chưa làm đúng, trọn vẹn. Tôi cũng mong muốn HDXX xem xét thấu đáo”, ông Bình nói.

Lý do đẩy ông Đặng Thanh Bình vào tù tội

Dù đã nghỉ hưu từ cách đây 4 năm (năm 2014) nhưng mới đây, bất ngờ ông Đặng Thanh Bình bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ông Đặng Thanh Bình từng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ các định chế tài chính từ năm 1994. Năm 1997, ông Đặng Thanh Bình chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ pháp chế và đến năm 2002 bắt đầu giữ cương vị Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đến tháng 5.2005 ông được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2005. Đến tháng 2.2012, được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Vụ pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo Đề án 254 của Chính phủ, giúp Thống đốc chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát trong đó có hoạt động tái cơ cấu; tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Đây chính là dấu mốc đẩy ông Bình vào vòng lao lý.

img

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình 

Ngày 15.8.2012, ông Bình kí Tờ trình số 597 trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, nội dung tờ trình đã nêu rõ “Cần tiếp tục xác minh năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới (chủ yếu là khả năng chuyển nhượng thành tiền của khu đất 302 Tô Hiến Thành) để đảm bảo nguồn tiền đầu tư vào Trustbank, NHNN kính trình Thủ tướng Chính phủ: chấp thuận chủ trương việc Trustbank thực hiện tái cơ cấu theo phương án nêu trên, trên cơ sở nhóm cổ đông mới có đủ năng lực tài chính để thực hiện phương án này”.

Trên cơ sở đề nghị của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo số 1350/VPCP-KTTH ngày 31/8/2012 “Thống đốc NHNN chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới đầu tư vào NHTM cổ phần Đại Tín và sau khi tái cơ cấu, ngân hàng có tình trạng tài chính lành mạnh, đáp ứng các quy định về bảo đảm tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng…”.

Để thực hiện chủ trương nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4.9.2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có tờ trình số 1340 về việc tái cơ cấu Trustbank gửi Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng, cụ thể: Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập NHTM cổ phần và cam kết không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

Ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng yêu cầu nêu trên mà có bút phê vào tờ trình này: “Việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của chính NHNN”.

Sau khi có bút phê này, ông Bình tiếp tục có công văn “về việc chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu Trustbank” gửi ngân hàng Đại Tín có nội dung: Trustbank chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới…

Sau một thời gian cho nhà đầu tư mới tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín, ngày 14.6.2013, chính ông Bình lại ký Thông báo số 153 thông báo ý kiến kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, thừa nhận thực tế: “Lộ trình triển khai phương án còn chậm chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu còn hạn chế”.

Tuy nhiên, sau đó cũng lại chính ông Bình ký công văn chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín.

Như vậy, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN trình Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, không chỉ đạo việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh (khu đất 302 Tô Hiến Thành không chuyển nhượng được thành tiền) và trên thực tế để có tiền, Phạm Công Danh đã thực hiện các hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

img

Nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình tại toà (Ảnh: Tuổi trẻ)

Việc làm của ông Bình tạo điều kiện cho Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ ngân hàng Đại Tín, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội, dẫn đến hậu quả kể từ khi nhóm cổ đông của Phạm Công Danh quản trị, điều hành VNCB, hoạt động của ngân hàng này ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng rất cao.

Theo báo cáo tài chính của VNCB năm 2012 đã kiểm toán, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế hơn 8.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 5.700 tỷ đồng. Năm 2013, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế hơn 11.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 8.200 tỷ đồng.

Vào thời điểm khởi tố vụ án 26.7.2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, gấp 6 lần so với khi chưa tái cơ cấu, tổng nợ phải trả hơn 38.200 tỷ đồng, tổng tài sản là hơn 16.745 tỷ đồng.

Hành vi của ông Đặng Thanh Bình là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín để Phạm Công Danh có điều kiện thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho VNCB trên 15.000 tỷ đồng, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động tài chính,tín dụng quốc gia.

“Tôi ân hận vì mình chưa làm đúng, trọn vẹn”

Trong quá trình xét xử tại tòa, ông Bình cho rằng mình đã làm đúng chức trách và nhiệm vụ nhưng không lường hết được những hành vi vi phạm pháp luật hết sức tinh vi của ông Phạm Công Danh và nhóm nhân viên dưới quyền ông Danh.

Ông Bình cũng cho rằng chủ trương tái cơ cấu ngân hàng là một chủ trương đúng đắn và việc tái cơ cấu này đã thực hiện thành công với 5 ngân hàng khác.

Hội đồng xét xử cho rằng vai trò của bị cáo Đặng Thanh Bình là cao nhất, bởi sự buông lỏng trong quản lý dẫn đến những sai sót kéo dài.

Nói lời sau cùng, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng các cáo buộc với ông đã được làm rõ. “Trách nhiệm cá nhân, tôi thấy rằng Viện Kiểm sát cũng đã đánh giá thấu đáo. Trước áp lực lớn của công việc, tái cơ cấu không chỉ sáu ngân hàng yếu kém, nhưng giữ vững được an ninh tiền tệ là điều tôi tự hào”, ông Bình nói.

img

Nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình nói lời sau cùng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ông Bình cũng cho rằng Ngân hàng Đại Tín có khó khăn riêng, đặc biệt phải đối mặt với hàng loạt hành vi vi phạm chưa có tiền lệ tại ngân hàng xảy ra trong thời gian ngắn vậy.

Khẳng định mình không chối bỏ trách nhiệm hay làm xấu đi tình trạng của các đồng nghiệp, mà là để rút kinh nghiệm cho các ngân hàng tái cơ cấu sau này, ông Bình đề nghị các lãnh đạo ngân hàng cần luôn quan tâm đến công tác thanh tra giám sát.

Qua diễn biến phiên tòa, cá nhân ông Bình cũng thấy quá trình chỉ đạo triển khai công tác tái cơ cấu còn nhiều khuyết điểm, nhưng phải rõ ràng và rút kinh nghiệm. Các sai sót này có nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan. Còn nhiệm vụ tái cơ cấu nói chung và Ngân hàng Đại Tín nói riêng, là một đảng viên, lãnh đạo, ông Bình coi việc tham gia tái cơ cấu là nhiệm vụ chính trị.

“Tôi ân hận vì mình chưa làm đúng, trọn vẹn. Tôi cũng mong muốn HDXX xem xét thấu đáo”, ông Bình nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem