Xót xa ngôi đình trăm tuổi ở xứ Lạng cỏ mọc um tùm, nguy cơ chờ sập

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 16/02/2023 06:52 AM (GMT+7)
Với kiến trúc độc đáo, có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật, thế nhưng ngôi đình Pác Yếng (thôn Pác Yếng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) gần 100 tuổi đang có nguy cơ chờ sập.
Bình luận 0

Đình Pác Yếng nằm cách Quốc lộ 1B khoảng 50m về phía bên phải, cách UBND xã Đồng Ý khoảng 1,5km về phía Tây và cách trung tâm huyện Bắc Sơn khoảng 8km về phía Tây Nam.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngôi đình được xây dựng đầu thế kỷ XX thời Vua Bảo Đại năm 1932, do nhân dân đóng góp xây dựng nên.

Ngôi đình độc đáo ở Xứ Lạng bị xuống cấp đến mức cỏ dại mọc kín tứ phía  - Ảnh 1.

Thực trạng đình Pác Yếng (thôn Pác Yếng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đang chờ sập. Ảnh: Gia Tưởng

Đình Pác Yếng được xây dựng trên một đồi nhỏ cạnh núi đá của thôn Pác Yếng. Kiến trúc đình theo kiểu chữ Nhất gồm ba gian hai chái, diện tích 273m2 (chiều dài 21m, chiều rộng 13m), cửa hướng chính Đông, kết cấu kiến trúc gỗ theo kiểu giá chiêng chồng rường, mái lợp ngói âm dương.

Bộ khung của đình gồm 8 cột cái với kích thước chu vi 1,6m, 12 cột quân với chu vi 1,2m và 12 cột hiên với chu vi 0,9m với. Tất cả các chân cột lớn nhỏ đều được kê trên đá tảng, đá chân cột mặt hình tròn được gọt đẽo công phu.

Mỗi gian của đình có chiều rộng 5m, chiều cao mái hiên so với mặt đất là 2,3m, ván bưng xung quanh đình, phần ban thờ chính giữa của đình nay không còn.

Ngoài ra, kiến trúc của đình hoàn toàn bằng gỗ tốt (nhóm tứ thiết như đinh, nghiến, táu…), các câu đầu, bẩy hiên phía trước mái đình được chạm khắc nổi (rồng ngậm ngọc), đầu dư khắc rồng chầu. Các đế dép, con kê được đục chạm có dáng vuông thót đáy, phía dưới tạo đế hoa sen.

Kiến trúc nghé bẩy tiếp giáp với các đầu của cột cái, cột quân được chạm khắc rồng hóa, phần tiếp với bẩy hiên chạm khắc nghê chầu và cúc mai, còn các phần khác như câu đầu nối cột cái, cột quân được chạm khắc đao lửa và mây ôm cuốn cột.

Ngôi đình độc đáo ở Xứ Lạng bị xuống cấp đến mức cỏ dại mọc kín tứ phía  - Ảnh 2.

Bên trong Pác Yếng, cỏ và cây dại mọc um tùm. Ảnh: Gia Tưởng

Ở phần mái đình, các vì, rường đan xen với nhau qua các mộng, kèo, giường con lợn (hai bên tả - hữu) rất vững chãi, phần cốn cũng được chạm khắc khá công phu như hình rồng phù. Phần cuối cột hiên phía dưới tiếp gần với phần nền có ngưỡng và con xo. Tất cả các mảng chạm khắc hoa văn trong kiến trúc đình Pác Yếng chỉ tập trung vào phần hiên trước, còn phần sau mái đình để thô không chạm khắc gì.

Đình Pác Yếng là một trong những di tích còn giữ được những nét độc đáo về kiến trúc đình làng Bắc Sơn, mang đậm phong cách văn hóa dân gian. Các kết cấu gỗ của đình như: Xà nóc, câu đầu, mái đình, đầu bẩy… đều được chạm khắc công phu và tinh xảo. Đồng thời, đình là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của bà con thôn Pác Yếng và nhân dân trong vùng.

Ngôi đình có tuổi đời gần 100 năm này thờ Thành hoàng Cao Sơn Quý Minh - người đã có công dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ xóm làng, quê hương. Trong tâm thức người Việt, vị thần đó chính là thần núi rất linh thiêng và cao cả.

Việc thờ phụng Thành hoàng Cao Sơn Quý Minh là thể hiện đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của người Việt, đồng thời tưởng nhớ và tôn vinh vị anh hùng dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn di tích đình Pác Yếng là giữ gìn bản sắc, di sản văn hóa quý báu của nhân dân cả về mặt kiến trúc cũng như tín ngưỡng.

Ngôi đình độc đáo ở Xứ Lạng bị xuống cấp đến mức cỏ dại mọc kín tứ phía  - Ảnh 3.

Những cột gỗ được chạm khắc tinh xảo bị phơi mưa nắng nhiều năm. Ảnh: Gia Tưởng

Tuy nhiên hiện nay, đình Pác Yếng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần ván bưng xung quanh đình đã bị mất, mái đình bị hư hỏng nặng, dột nát. Các cột cái, cột quân bị mối mọt nhiều, sắp đổ.

Hiện nay, đình được giao cho các cụ cao niên và Chi đoàn Thanh niên thôn Pác Yếng quản lý và bảo vệ. Mặc dù vậy, việc quản lý và bảo vệ di tích chưa được thực hiện do ý thức của thanh thiếu niên trong thôn và trong vùng còn kém như đá bóng trong khu vực đình, làm hỏng đường điện, vỡ mái ngói…

Việc quản lý và bảo tồn di sản văn hóa này là điều rất cần thiết đối với bà con thôn Pác Yếng nói riêng và người dân huyện Bắc Sơn nói chung. Hiện nay chúng tôi đang liên lạc với các cơ quan chức năng ở địa phương để tìm câu trả lời cho số phận di tích này.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá San - nguyên Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Cần sớm có biện pháp bảo về ngôi đình này càng sớm càng tốt.

Ông San cũng gợi ý những phần việc cần làm sớm như: Lắp biển tóm tắt nội dung giá trị lịch sử, biển báo vị trí di tích; Thực hiện các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong vùng về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Thành lập ban quản lý Đình; Tiến hành phục dựng Lễ hội truyền thống của thôn, bản diễn ra tại Đình; Cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất cho Đình Pác Yếng...

"Đình Pác Yếng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan cần sớm tiến hành tu bổ, sửa chữa, ngoài ra cũng nên khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích. Muốn làm được những điều này thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong tỉnh và chính quyền địa phương", ông San khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem