Dính “thanh tra toàn diện”, cổ phiếu Masan “chào sân” kém ấn tượng?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 05/01/2017 16:08 PM (GMT+7)
Vừa lên sàn UPCoM sáng nay 5.1 với giá tham chiếu lên tới 90.000 đồng, cổ phiếu MCH đã liên tục tăng giá có thời điểm lên tới 98.000 đồng/CP; thế nhưng sau khi Bộ Y tế thông tin sẽ thanh tra toàn diện thì cổ phiếu này đột ngột quay đầu về mức giá tham chiếu...
Bình luận 0

img

Sáng nay, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã MCH) chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/CP. Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 538,16 triệu đơn vị.

Ngay sau khi chào sàn, trong phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu MCH có thời điểm đã tăng lên 98.000 đồng/CP, tuy nhiên kết thúc phiên giao dịch buổi sáng thì cổ phiếu này chỉ đạt 92.200 đồng/CP (tăng 2,4%). Với mức giá này, vốn hóa thị trường của MCH tăng lên hơn 49.618 tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD).

Bước vào phiên giao dịch buổi chiều, cổ phiếu MCH bỗng quay về giá tham chiếu 90.000 đồng/CP, sau đó giảm xuống mức 89.700 đồng/CP (giảm 0,3%) so với giá tham chiếu.

Lý do cổ phiếu MCH bỗng nhiên quay đầu giảm giá, theo giới đầu tư chứng khoán thì có thể do nguyên nhân sáng nay Bộ Y tế chính thức thông báo sẽ thanh tra toàn diện Masan và Khải Hoàn - hai nhà sản xuất nước mắm vào loại lớn hiện nay ở Việt Nam, trong đó Công ty Masan được cho là giữ thị phần lớn nhất.

Theo thông báo từ Thanh tra Bộ Y tế, đợt thanh tra sẽ bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán.

Được biết, Masan Consumer là công ty con của Công ty TNHH MasanConsumer Holdings – một công ty con của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group). Đây là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami) , gia vị (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe).

Trong cơ cấu doanh thu, đến cuối năm 2015, thị phần ngành hàng nước mắm của MCH chiếm 65%, nước tương là 71%, mì ăn liền 25%, tương ớt 43% và cà phê hòa tan là 43%.

Trao đổi với Dân Việt, một cán bộ truyền thông của Tập đoàn Masan cho biết, việc thanh tra lần này của Bộ Y tế là “hoàn toàn bình thường” vì năm 2015 cũng có 2 đợt thanh tra đối với lĩnh vực sản xuất nhóm ngành thực phẩm của Tập đoàn này.

Dù vậy, với lý do “không phải là người được quyền phát ngôn” nên vị này cũng không bình luận thêm gì về việc Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh tra Tập đoàn này từ sau Tết Nguyên đán.

Như vậy, so với những doanh nghiệp “khủng” mới chào sàn dịp cuối năm 2016 và 2017 như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va... thì Masan Consumer có phiên “chào sàn” không mấy ấn tượng dù cổ phiếu MCH được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông trong nhiều năm qua.

Cụ thể, năm 2014 cổ tức cổ đông nhận được từ MCH là 110% bằng tiền mặt (11.000 đồng/CP); bước sang năm 2015 thì cổ tức mà cổ đông nhận được là 60% (6.000 đồng/CP) và năm 2016 là 56% (5.600 đồng/CP).

Năm 2017, theo dự kiến từ Masan Consumer thì cổ tức sẽ vào khoảng 40%-50% cho cổ đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem