DN “tố” lãi suất huy động chỉ 3-5%, ngân hàng cho vay 9 – 10%: Thực tế thì sao?

Huyền Anh Thứ tư, ngày 13/10/2021 08:43 AM (GMT+7)
Theo phản ánh của doanh nghiệp tới Thủ tướng, doanh nghiệp vẫn đang phải gánh lãi vay 9-10%, trong khi lãi suất huy động chỉ từ 3-5%. Các doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất, đề xuất mức chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Bình luận 0

Doanh nghiệp "tố" ngân hàng cho vay cao, lãi suất 9-10%/năm

Chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà (đại diện Hội Doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội) bày tỏ lo lắng khi số doanh nghiệp đối diện với nguy cơ phá sản vì đại dịch ngày càng lớn. Theo tính toán của ông Sơn, bình quân, mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng điều doanh nghiệp cần là những giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là về nguồn vốn.

Theo đó, ông chủ Tập đoàn Sơn Hà đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Hoãn, giảm và xóa nợ đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Đặc biệt, vị lãnh đạo doanh nghiệp còn đề nghị ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay, đề xuất mức chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay.

Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, ngành xây dưng đóng góp rất lớn vào GDP của cả nước nhưng dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp rất nhiều khó khăn, việc thúc đẩy trở lại để đáp ứng nhu cầu là rất khó.

Điều đáng nói, mặc dù có chủ trương giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhưng áp dụng của các ngân hàng thương mại vẫn rất cao. Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng vẫn phải chấp nhận 9-10%/năm, trong khi đó lãi suất huy động 3-5%/năm. Ông Hiệp mong muốn, các doanh nghiệp xây dựng được hưởng lãi suất tốt hơn.

DN “tố” lãi suất huy động chỉ 3-5%, ngân hàng cho vay 9 – 10%: Thực tế thì sao? - Ảnh 2.

DN “tố” lãi suất huy động chỉ 3-5%, ngân hàng cho vay 9 – 10%. (Ảnh: Baodautu)

Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức giảm 0,55% ở thời điểm cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020 vẫn còn thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng với mức độ khó khăn của doanh nghiệp, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; dư địa để các ngân hàng giảm thêm lãi suất vẫn còn; doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp.

Chung nhận định, các chuyên gia từ công ty Chứng khoán SSI cho rằng, chính sách tiền tệ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021.

DN “tố” lãi suất huy động chỉ 3-5%, ngân hàng cho vay 9 – 10%: Thực tế thì sao? - Ảnh 3.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay. (Ảnh: BID)

Mặt bằng lãi suất huy động 5 - 5,5%, khó giảm tiếp

Liên quan đến những phản ánh của doanh nghiệp, chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ quý III/2021 - ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong năm 2021 mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhanh hơn lãi suất huy động, kéo giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tới 0,7%/năm. Lãi suất trong thời gian tới, sẽ phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế - ông Hà nói.

Thực tế, lãi suất huy động tùy thuộc kỳ hạn, 1 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm,…, mặt bằng lãi suất huy động bình quân tạm tính vào khoảng 5-5,5%/năm. Nếu mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay được giữ ở mức 2,5%, lãi suất cho vay là 8%/năm. Tuy nhiên, thực tế mặt bằng lãi suất cho vay bình quân chỉ khoảng 6,5-8%/năm.

DN “tố” lãi suất huy động chỉ 3-5%, ngân hàng cho vay 9 – 10%: Thực tế thì sao? - Ảnh 4.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về lãi suất huy động - cho vay. (Ảnh: SBV)

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục giảm lãi suất.

Bởi theo ông Tú, thời gian vừa qua lãi suất huy động giảm 1-1,5%/năm kể từ năm 2020 đến nay, đã khiến cho huy động vốn trong nền kinh tế giảm. Trong đó, tiền gửi dân chỉ tăng hơn 6%, huy động cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng. Vì vậy, không thể tiếp tục đặt ra câu chuyện giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.

Cũng theo Phó Thống đốc, nếu lãi suất huy động thấp quá, người dân thay vì gửi ngân hàng sẽ mua nhà, mua vàng, từ đó tạo ra những bất ổn cho nền kinh tế.

Hơn nữa, các ngân hàng huy động để cho vay, như vậy muốn ổn định thì vẫn phải có nguồn tiền gửi nhất định. Do đó, phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền.

Do đó, Phó Thống đốc cho rằng, để giảm được lãi suất cho vay lúc này phụ thuộc vào 2 vấn đề. Thứ nhất là tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ. Thứ hai là cắt giảm lợi nhuận. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo 2 hướng trên – theo ông Tú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem