Đổ bể liên doanh, khó xoay vốn, vì sao nhiều chủ đầu tư vẫn muốn "ôm" dự án nhiệt điện than?

An Linh Thứ tư, ngày 28/09/2022 18:16 PM (GMT+7)
Khó thu xếp vốn, thay đổi chủ đầu tư và đổ bể liên doanh, nhưng theo Bộ Công Thương, 5 dự án nhiệt điện chạy than với công suất hơn 6.800 MW vẫn được các chủ đầu tư cam kết xoay vốn, không muốn dừng dự án.
Bình luận 0

Nhiều chủ đầu tư không muốn "buông" nhiệt điện than

Bộ Công Thương vừa có Tờ trình vừa gửi Chính phủ về phê duyệt đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo Bộ Công Thương, qua rà soát tới cuối tháng 9, có 39 nhà máy điện than, tổng công suất 24.674 MW đang vận hành. Hiện còn 12 dự án điện than (công suất 13.792 MW) giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng.

Đổ bể liên doanh, khó xoay vốn, vì sao nhiều chủ đầu tư vẫn muốn "ôm" dự án nhiệt điện than? - Ảnh 1.

Về thực trạng đầu tư, theo Bộ Công Thương hiện có 5 dự án nhiệt điện chắc chắn đưa vào vận hành, gồm Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1 và Vũng Áng 2. Với dự án Long Phú 1, hiện vướng mắc lớn nhất với nhà thầu cũng đang được đàm phán.

Hai dự án nhiệt điện khác là An Khánh và Na Dương 2 thời gian qua có vướng mắc về vốn. Bộ Công Thương cho biết các bên đã có phương án tiếp cận vay vốn từ nguồn trong nước để triển khai tiếp.

Hiện lo lắng lớn nhất là 5 dự án nhiệt điện than còn lại (công suất khoảng 6.800 MW), trong đó một dự án của nhà đầu tư trong nước, bốn dự án của các nhà đầu tư BOT nước ngoài gồm Nhiệt điện Sông Hậu 2, Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Nhiệt điện Nam Định 1 và Nhiệt điện Quảng Trị vẫn khó khăn về thu xếp vốn.

Theo Bộ Công Thương, các dự án này khó khăn về vốn, thay đổi chủ đầu tư nên ảnh hưởng đến thời gian triển khai dự án. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng: "không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án".

Bộ Công Thương khẳng định: Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, bản thân các chủ đầu tư dự án này đã bỏ tiền, thời gian để triển khai. 

Đơn cử như dự án nhiệt điện Nam Định 1, chủ đầu tư đã tạm ứng 6 triệu USD (140 tỷ đồng) để tái định cư, thu mua hoa màu cho địa phương. Dự án nhiệt điện Sông Hậu 2, chủ đầu tư đã thanh toán hơn 343,2 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho địa phương.

Có thể điểm đến một số khó khăn về vốn hoặc dự án bị đổ bể liên doanh, doanh nghiệp rút vốn như dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (1.800 MW), sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) chiếm 22% vốn đã rút khỏi dự án, dự án này vẫn chưa hoàn thành xong thủ tục. Đến nay, vẫn đang tìm phương án thay đổi các cổ đông sở hữu, đàm phán thu xếp vốn. 

Dự án điện than Nam Định 1 (công suất 1.200 MW) được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4/2017, nhưng khi cổ đông ngoại rút vốn, liên doanh và chủ đầu tư vẫn đang tìm nhà đầu tư mới thay thế...

Bộ Công Thương khẳng định bản thân các chủ đầu tư đều khẳng định sẽ nỗ lực vượt khó khăn, cố gắng thu xếp vốn để triển khai tiếp dự án. Chính vì vậy, Bộ này đề nghị Chính phủ giữ 5 dự án BOT điện than nói trên trong Quy hoạch điện VIII.

Cũng tại tờ trình, Bộ Công Thương đã đề xuất bỏ 14.120 MW điện than ra khỏi quy hoạch điện VIII, trong đó 8.420 MW do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư; dự án BOT là 4.500 MW và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW.

Hiện, các nhà máy nhiệt điện chạy than chiếm khoảng 31% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện cả nước (tương đương khoảng 21.383 MW). Trong 8 tháng năm 2022, EVN cho biết các nhà máy nhiệt điện nói chung đã đóng góp gần 71,7 tỷ kWh, chiếm hơn 39% sản lượng điện toàn hệ thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem