Doanh nghiệp dở khóc dở cười khi nỗ lực giảm phát thải khí carbon trong sản xuất cà phê

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 16/03/2023 09:13 AM (GMT+7)
Giảm phát thải khí carbon trong sản xuất, chế biến cà phê là nhu cầu cấp thiết khi các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt yêu cầu về tiêu chí này đối với mặt hàng cà phê.
Bình luận 0

Các doanh nghiệp thu mua, kinh doanh cà phê được đánh giá là có vai trò dẫn dắt trong mục tiêu giảm phát thải khí carbon ở lĩnh vực sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê giảm phát thải khí carbon

Với mục tiêu chuyển đổi tư duy kinh doanh từ sản lượng sang chất lượng, đa giá trị và bền vững, từ năm 2008, Công ty Simexco Đắk Lắk bắt đầu triển khai các mô hình hợp tác với nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên.

Ban đầu, việc liên kết những hộ sản xuất nhỏ lẻ lại với nhau, cùng sản xuất theo quy trình khoa học nhằm giảm phát thải khí carbon là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp này.

Thế nhưng, sau nhiều năm kiên trì, nông dân hiểu rằng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành và chia sẻ trách nhiệm với họ nên đã chủ động tham gia cùng doanh nghiệp. Đến nay, Simexco đang làm việc với 40.000 nông dân.

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức công – tư, Simexco thực hiện nhiều chương trình khác như Cà phê Hạnh phúc, SDM (Dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp bền vững) và nỗ lực theo đuổi sản xuất cà phê phát thải thấp.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, đến năm 2020, các vùng nguyên liệu tại Krông Năng có mức phát thải thấp hơn những khu vực canh tác khác nhờ thực hiện tốt các chính sách cấm sử dụng các loại thuốc BVTV không được phép, tận dụng chất thải, phụ phẩm nông nghiệp để tái đầu tư.

Hiện Simexco đã nhân rộng mô hình sang 7 huyện khác tại tỉnh Đắk Nông và Gia Lai với mong muốn sớm triển khai mô hình PPI Compact (Sản xuất kết hợp bảo tồn và An sinh xã hội) tại đây.

Là một nhà thu mua lớn các sản phẩm cà phê Việt Nam, đại diện Công ty JDE Peet's cũng cho biết, doanh nghiệp này quan tâm và đồng hành cùng các vùng nguyên liệu của mình từ nhiều năm nay trong mục tiêu phát triển bền vững, và gần đây là giảm phát thải khí carbon.

Các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt yêu cầu giảm phát thải khí carbon khi nhập khẩu cà phê. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt yêu cầu giảm phát thải khí carbon khi nhập khẩu cà phê. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mục tiêu của JDE Peet's là đến năm 2025, 100% cà phê mua vào của doanh nghiệp này được sản xuất có trách nhiệm. Ngoài ra, đến năm 2030, JDE Peet's sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính đến 30% cho tất cả các hoạt động từ hệ thống nhà máy sản xuất của của mình trên toàn cầu.

Ông Đỗ Ngọc Sỹ - Giám đốc Bền vững châu Á – Thái Bình Dương, Công ty JDE Peet's cho biết, để thực hiện các mục tiêu trên, doanh nghiệp này thực hiện sử dụng các sản phẩm tái chế. Đặc biệt, JDE Peet's tiếp tục đầu tư triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu cà phê quy mô lớn, bền vững như tại Tây Nguyên, Việt Nam.

Vẫn còn tình trạng "tự buộc chân mình" khi giảm phát thải khí carbon

Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí carbon nhằm phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam phải được dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Giảm phát thải khí carbon tại các vùng nguyên liệu cà phê Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp có được nguồn cà phê đầu vào đạt chuẩn, giữ vững được thị trường. Một khi doanh nghiệp "thông suốt" và kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, nông dân cũng sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp cùng với doanh nghiệp.

Tại Hội thảo "Giảm phát thải trong các vùng nguyên liệu cà phê tại Việt Nam" tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT) nhận định, để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cả về chất lượng sản phẩm và về môi trường, cần huy động hợp tác công tư (PPP).

Cần huy động hợp tác công tư (PPP) để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cả về chất lượng sản phẩm và về môi trường. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cần huy động hợp tác công tư (PPP) để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cả về chất lượng sản phẩm và về môi trường. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong đó, các doanh nghiệp đầu ra trong chuỗi giá trị đóng vai trò dẫn dắt thông qua việc cam kết và ưu tiên thu mua sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về sản xuất có trách nhiệm cho người nông dân. Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm đảm bảo việc thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường, sinh vật và con người trong vùng nguyên liệu đó.

Với cà phê, Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và các doanh nghiệp thí điểm phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn với tổng diện tích khoảng 200.000ha. Trong đó, cây cà phê chiếm khoảng 10% nhằm mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải khí carbon, từ đó, tăng thu nhập cho nông dân.

Tuy vậy, để đạt được các mục tiêu này, các doanh nghiệp cho biết, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập khiến doanh nghiệp "dở khóc dở cười".

Theo ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, để phát triển bền vững, mô hình trồng xen sầu riêng, cà phê nhiều năm qua đã khẳng định hiệu quả cao.

Thế nhưng, chứng chỉ carbon chưa đồng ý mô hình xen canh. Việc đăng ký mã số vùng trồng cho vườn cây trồng xen, đặc biệt là xen canh cây sầu riêng và cà phê hiện chưa được chấp nhận.

Ông Huy nhận định, việc này đang đi ngược lại nguyện vọng giảm phát thải khí carbon thông qua hình thức đa canh, đa cây.

Do đó, ông Huy kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét lại quy định này để doanh nghiệp có thể tiếp tục nâng cao giá trị vườn trồng cho bà con nông dân, đồng thời, khuyến khích bà con xen canh.

"Nếu không, khi giá sầu riêng tiếp tục tăng thì sản lượng cà phê sẽ sụt giảm, do tình trạng chặt cà phê trồng sầu riêng", ông Huy cho biết.

Ngoài ra, theo ông Huy, Bộ NNPTNT cần sớm ban hành bộ nguyên tắc canh tác để nông dân có những hướng dẫn và thực hành canh tác đúng ngay từ khi trồng mới. nguyên tắc canh tác này không chỉ cho cây cà phê mà cho cả cây ăn trái, hồ tiêu…, tránh tình trạng phải đi sửa sai hay vừa làm vừa sửa.

Quá trình giảm phát thải khí carbon cũng cần được tính toán trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ vùng nguyên liệu đến vận chuyển, logistic. Ảnh: Nguyên Vỹ

Quá trình giảm phát thải khí carbon cũng cần được tính toán trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ vùng nguyên liệu đến vận chuyển, logistic. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Bạch Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào các liên kết sản xuất – thu mua cà phê bền vững, cần tăng cường tính minh bạch và số hóa.

Theo đó, quá trình giảm phát thải khí carbon cần được tính toán trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ vùng nguyên liệu đến vận chuyển, logistic…, chứ không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất trên đồng ruộng.

Theo ông Tuấn, tháng 3 này, Vicofa sẽ có chương trình làm việc với Chính phủ Mỹ, và thông qua Hiệp hội Cà phê Mỹ để thúc đẩy loạt chương trình mua và tiêu thụ các sản phẩm cà phê có tín chỉ carbon tại Việt Nam. Đây là nỗ lực góp phần vào mục tiêu xây dựng ngành sản xuất cà phê bền vững tại Việt Nam.

Theo thống kê, năm 2022, ngành cà phê xuất khẩu 1,77 triệu tấn, đạt tổng kim ngạch trên 4 tỷ USD, mang lại việc làm và nguồn thu nhập cho hơn 700.000 nông hộ. Thế nhưng, hàng năm, ngành sảnh xuất cà phê Robusta của Việt Nam phát thải khoảng 800.000 tấn CO2, đe dọa sự phát triển bền vững của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem