Do người phụ trách lĩnh vực thiếu trách nhiệm

Long Nguyên Thứ sáu, ngày 15/08/2014 05:11 AM (GMT+7)
Ngày 14.8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) chủ trì buổi làm việc với TP.Hà Nội về vấn đề nêu trên.
Bình luận 0

 Tại buổi làm việc, báo cáo công tác 7 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Tình hình hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ, tên thương mại, nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam gia tăng. Hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, tồn kho nhiều nên dẫn tới hành vi sửa hạn sử dụng; gia cầm nhập lậu đưa vào tiêu thụ vẫn còn tồn tại.

Trong khi đó, Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội đang là nơi trung chuyển gian lận thương mại từ các nơi khác đổ về rồi đi vào các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt, tình hình buôn lậu hàng Trung Quốc thời gian qua đã hình thành các nhóm, xuất hiện các cửa hàng tiêu thụ ở chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nguyên nhân của những hạn chế bắt nguồn từ người phụ trách lĩnh vực còn thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền cấp phường, xã phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đẩy lùi từng bước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Ban Chỉ đạo 389 của Hà Nội phải rà soát, bổ sung, kiện toàn bộ máy, sắp xếp cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, thay đổi cán bộ yếu kém và xử lý nghiêm cán bộ thoái hóa, biến chất. “Chính phủ coi chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ trọng tâm. Nơi nào làm tốt được khen thưởng, nơi nào để lộng hành thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước thành phố và T.Ư”- Phó Thủ tướng khẳng định.

 Cấm hơn 2.000 taxi ngoại tỉnh hoạt động tại Hà Nội

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 17.000 taxi. Theo kế hoạch, những taxi không bảo đảm tiêu chuẩn, không được cấp phù hiệu sẽ không được phép hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp taxi ở Hà Nội đăng ký ô tô lấy biển Hà Nội, nhưng lại đăng ký kinh doanh tại địa phương khác. Hà Nội đang có hơn 2.000 taxi dạng này nên không có bến bãi, điểm đỗ, điểm dừng, không kiểm soát được lái xe, đặc biệt là lái xe có nghiện hút không. Vì vậy, chỉ các taxi có phù hiệu, bảo đảm đủ điều kiện mới được phép hoạt động, còn taxi ngoại tỉnh sẽ bị cấm hoạt động cố định trên địa bàn Hà Nội.

“Taxi ở các vùng miền khác vẫn được đưa đón khách từ Hà Nội về các tỉnh, thành khác như bình thường, nhưng không được hoạt động cố định trên địa bàn thành phố như các hãng taxi được cấp phù hiệu. Hà Nội sẽ cương quyết xử lý nghiêm taxi dù, taxi không đủ điều kiện kinh doanh tại thành phố” - ông Hùng khẳng định. Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Vấn đề quản lý taxi trên mỗi địa bàn đã được quy hoạch rất rõ. Hà Nội và các địa phương khác phải quản lý theo đúng quy hoạch đã đề ra, không để taxi hoạt động sang địa bàn khác và không để taxi địa bàn khác hoạt động trên địa phương của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem