"Dọa" đóng cửa hầm Hải Vân và Đèo Cả, chủ đầu tư muốn gì?

Đình Thiên Thứ ba, ngày 30/10/2018 06:30 AM (GMT+7)
Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) vừa phát đi cảnh báo hầm Hải Vân (nối Huế - Đà Nẵng) và hầm Đèo Cả (nối Phú Yên - Khánh Hòa) có nguy cơ đóng cửa vì không có tiền trả cho chi phí vận hành. Việc này đã khiến dư luận cả nước rất xôn xao...
Bình luận 0

Cuối giờ chiều 29.10, sau khi Dân Việt đăng tải bài viết “Đà Nẵng: Không cắt điện hầm Hải Vân, Công ty Đèo Cả vẫn "la làng"?” phản ánh việc Công ty Đèo Cả không có tiền trả chi phí vận hành cho Công ty Hamadeco nên hầm Hải Vân có nguy cơ bị đóng cửa, lãnh đạo Công ty Đèo Cả đã có những thông tin phản hồi liên quan vụ việc.

Theo đó, thông tin với Dân Việt, ông Lưu Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Đèo Cả - cho biết, từ năm 2005 đến năm 2015, chi phí để thực hiện công tác quản lý và vận hành và tuyến đường QL1 qua đèo Hải Vân được Nhà nước chi trả. Sau hơn 10 năm vận hành, hầm Hải Vân 1 cần phải trùng tu, nâng cấp để được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, phục vụ công tác điều tiết giao thông trong quá trình thi công mở rộng hầm Hải Vân 2.

“Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Công ty Đèo Cả triển khai thực hiện việc trùng tu, nâng cấp để được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời tiếp nhận và ứng kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 từ tháng 11.2015.  Đến nay công ty đã chi 900 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành việc trùng tu, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và được Bộ Công an thẩm tra chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, từ tháng 11.2015 đến nay, công ty cũng chi hơn 300 tỷ để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1”, ông Thủy cho hay.

img

Hầm Hải Vân được cảnh báo có nguy cơ đóng cửa vì Công ty Đèo Cả thiếu hụt nguồn thu. Ảnh: Đình Thiên

Ông Thủy cho rằng, đúng ra theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 thì Công ty Đèo Cả được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ tháng 1.2017 để hoàn vốn cho việc trùng tu vận hành hầm Hải Vân 1. Ngoài ra, vào tháng 1.2016, Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận về nguyên tắc việc bố trí 7 trạm thu phí (bao gồm trạm Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan) để hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả...

“Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân và trạm La Sơn - Túy Loan đều không thực hiện được. Những quyết định này đã làm giảm nguồn thu rất lớn, gây phá vỡ nghiêm trọng phương án hoàn vốn dự án. Với tình trạng nguồn tiền ứng ra từ vốn chủ sở hữu hiện nay của doanh nghiệp quá lớn và kéo dài, khó khăn nhưng không được quan tâm giải quyết, Công ty  Đèo Cả sẽ đối diện với việc không thể tiếp tục chi trả các chi phí quản lý vận hành các hầm Đèo Cả, Hải Vân 1 và sẽ  dẫn đến nguy cơ phải gây gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 trong 1-2 tháng tới nếu các vướng mắc này không được Bộ GTVT và Chính phủ tháo gỡ kịp thời”, ông Thủy cho biết.

Vị Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Đèo Cả khẳng định, đơn vị này đã  kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được Bộ GTVT tham mưu kịp thời hướng giải quyết cho Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 là có cơ sở vì công ty này không thể đảm bảo được kinh phí vận hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem