Thứ sáu, 29/03/2024

Doanh nghiệp bất động sản nên tự cứu mình

10/02/2023 1:00 PM (GMT+7)

Sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng bất động sản, các doanh nghiệp lĩnh vực này đang cùng nhận ra một điều cốt tử. Đó là muốn tồn tại qua cơn khủng hoảng, họ sẽ phải tự cứu lấy mình.

Bên cạnh đó, dù NHNN kiên định kiểm soát phân khúc bất động sản đầu cơ nhưng các doanh nghiệp vẫn khẩn thiết mong nhà điều hành “bật đèn xanh” cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất cũng như gia hạn khoản nợ vay.


Sẽ phải bán bớt dự án, giảm giá thật

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc EZ Việt Nam, cho biết, cuộc họp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 8/2 chưa giải quyết được ngay vấn đề của thị trường hiện nay. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chắc chắn phải nhìn lại chính mình và có giải pháp thực sự chủ động.

“Kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn trong khi bất động sản chỉ là một phần của nền kinh tế. Để cứu thị trường, các doanh nghiệp phải cứu lấy mình. Doanh nghiệp cần cơ cấu lại, rà soát lại các dự án, các khoản nợ. Theo đó với những chủ đầu tư có cùng lúc gần 50 dự án (lời Thống đốc NHNN nói trong cuộc họp - PV), nên chăng họ cần phải bán bớt dự án cho các nhà đầu tư có tiềm lực khác. Còn các dự án đã có pháp lý đủ điều kiện bán hàng, chủ đầu tư phải hạ giá”, ông Toản nói.



Theo ông Toản, hiện nay, thực tế nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn “tham” lãi và đầu tư dự án dàn trải. Vốn vay của dự án này dùng cho dự án khác. Khi thị trường phát triển tốt không sao, nhưng đến thời điểm thị trường xấu như bây giờ sẽ bị tắc. “Nhiều doanh nghiệp sẽ còn khó hơn nữa. Bây giờ mới chỉ là bắt đầu. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế để không kỳ vọng những điều mơ hồ”, ông Toản nhận định.

Theo EZ Việt Nam, đến thời điểm này, nhiều dự án bất động sản chưa chịu hạ về giá trị thực. Có dự án liền kề quận ngoại thành bán 150 triệu đồng/m2 nhưng hạ còn 100 triệu đồng/m2, tuy nhiên giảm giá đến mức này cũng không ăn thua. Bản chất việc hạ giá bất động sản hiện nay chỉ là chiêu trò của chủ đầu tư, họ vẫn “găm” lợi nhuận.

Doanh nghiệp bất động sản nên tự cứu mình - Ảnh 2.

Bất động sản phải tự cứu mình thay vì trông đợi từ các cuộc giải cứu Ảnh: Như Ý

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, cũng cho rằng các chủ đầu tư, “trùm” bất động sản lớn hiện nay muốn qua cơn bĩ cực thì phải tự cơ cấu lại doanh nghiệp, “ăn” vào “thịt” mình trước đã. Theo ông Quế, giải pháp mạnh tay các doanh nghiệp cần làm là: cắt giảm nhân sự, bán bớt dự án và tìm cách thu tiền về. “Cuộc họp nóng của NHNN không được như kỳ vọng của doanh nghiệp nhưng thông qua đây doanh nghiệp biết được thông điệp rắn của nhà điều hành để mà tự điều chỉnh mình”, ông Quê nói.

Giãn khoản nợ vay, trái phiếu và giảm lãi suất

Tại cuộc họp ngày 8/2, ba kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản tập trung vào giãn nợ, cơ cấu lại nợ để không xuống nhóm nợ xấu; nới van tín dụng cho vay để hoàn thiện nốt các dự án dở dang và nếu được chuyển đổi một phần trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sang khoản vay. Ngoài kiến nghị thứ ba bị từ chối thẳng thừng, với hai kiến nghị đầu tiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quyền sinh sát vẫn đang thuộc khối nhà băng, trong đó có vai trò đặc biệt của NHNN.

Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, ngoài việc tự cơ cấu lại doanh nghiệp, ông Quê cho rằng, NHNN nên tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiến đến hạ lãi suất hai đầu cả tiết kiệm và cho vay. “Bởi hiện lãi suất tiết kiệm đang hấp dẫn hơn nhiều kênh đầu tư khác nên dòng tiền chảy vào ngân hàng lớn. Khi lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, dòng tiền sẽ chảy sang bất động sản. Đồng thời, ngân hàng cũng nên hạ lãi suất cho vay để gỡ khó cho cả chủ đầu tư và người mua nhà”, ông Quê phân tích.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng trong tổng số dư nợ ngân hàng 800.000 tỷ đồng năm 2022, cần bóc tách ra xem có bao nhiêu phần trăm là khoản vay đã sử dụng vốn trả nợ trái phiếu, có bao nhiêu dự án đang triển khai hoàn tất thủ tục rồi mà ngân hàng chưa cho vay, có bao nhiêu dự án hiện nay thiếu giấy phép xây dựng... “Cần tiến hành đồng bộ cả các giải pháp tháo gỡ pháp lý thì hoạt động tái cơ cấu nợ mới hiệu quả. Nếu chỉ tái cơ cấu mà hàng vẫn không bán được do ách tắc pháp lý thì giải cứu không có ý nghĩa”, ông Hùng nói.

Trả lời phóng viên bên lề cuộc họp NHNN ngày 8/2, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), thừa nhận, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt khoản nợ đáo hạn mà còn áp lực với trái phiếu đã phát hành. Trong khi đó, nguồn thu từ dòng tiền bán bất động sản đang bị chững lại. Ông Hưng cho rằng, cần có biện pháp hỗ trợ như cho cơ cấu nợ và gia hạn cho cả khoản nợ vay và trái phiếu là cần thiết cho giai đoạn này.

“Bất động sản là ngành đặc thù, tài sản đảm bảo hữu hình, nó không sinh thêm ra được. Suốt thời gian dài vừa qua có xu hướng tăng lên, có lúc ngủ đông nhưng có thời gian tăng lên. Quan trọng là tính thanh khoản. Nếu như chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này thì vài năm tới, thị trường ấm lên, kinh tế phát triển, bất động sản trở lại bình thường”, ông Hưng nói.

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nói rằng, Vietcombank cũng như các ngân hàng khác gặp nhiều khó khăn liên quan vấn đề pháp lý, các chính sách bất động sản qua các thời kỳ. Có trường hợp cấp tín dụng xong thì chủ đầu tư bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới ngân hàng thương mại. Do đó, khi thẩm định về tính pháp lý của dự án, ngân hàng phải làm chặt chẽ hơn.

Theo Tiền phong

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

TP.HCM gỡ khó cho chủ đầu tư để tăng nguồn cung nhà ở

TP.HCM gỡ khó cho chủ đầu tư để tăng nguồn cung nhà ở

TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ cho chủ đầu tư nhằm thúc đẩy thị trường nhà ở đang sụt giảm nguồn cung trong những năm gần đây.

Phát triển cân bằng, bền vững là tâm điểm trong quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu

Phát triển cân bằng, bền vững là tâm điểm trong quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu

Mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững được nhấn mạnh trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc phân vùng chức năng và trục động lực phát triển.

TP.HCM sớm khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm vào dịp 30/4 năm sau

TP.HCM sớm khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm vào dịp 30/4 năm sau

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu khởi công xây dựng 3 dự án giao thông trọng điểm là cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và Vành đai 4 vào dịp lễ 30/4 năm sau.

Căn hộ cao cấp: Chủ đầu tư ngoại chuẩn bị bung hàng

Căn hộ cao cấp: Chủ đầu tư ngoại chuẩn bị bung hàng

Những chủ đầu tư nước ngoài sẽ tung ra thị trường Việt Nam hàng loạt sản phẩm căn hộ cao cấp trong năm nay với lịch thanh toán linh hoạt.

Tòa nhà cao nhất Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ cao 50 tầng, có đường hầm kết nối Bãi Sau

Tòa nhà cao nhất Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ cao 50 tầng, có đường hầm kết nối Bãi Sau

Tổ hợp căn hộ khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế Five Star Odyssey đã chọn đường Thùy Vân, cung đường đắc địa bật nhất Vũng Tàu, là nơi tọa lạc. Công trình với 50 tầng nổi và 4 tầng hầm sẽ là tòa nhà cao nhất tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự kiến khai trương sau 39-45 tháng thi công.

Đồng Nai khởi công 5 dự án và hoàn thành 715 căn nhà ở xã hội trong 2024

Đồng Nai khởi công 5 dự án và hoàn thành 715 căn nhà ở xã hội trong 2024

Năm nay, tỉnh Đồng Nai khởi công 5 dự án đã có chủ trương đầu tư và hoàn thành 715 căn nhà ở xã hội. Sang năm 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục khởi công 7 dự án và hoàn thành 979 căn.