Doanh nghiệp chê bảo hiểm xuất khẩu

Thứ hai, ngày 01/10/2012 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 2 năm triển khai thực hiện, số lượng doanh nghiệp nông sản tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giá trị các hợp đồng bảo hiểm cũng rất xa so với chỉ tiêu đặt ra.
Bình luận 0

Ưu đãi lớn

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) là loại hình bảo hiểm nhằm mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro tín dụng xuất khẩu trong trường hợp nhà nhập khẩu mất khả năng thanh toán hoặc trì hoãn việc thanh toán hợp đồng. Việc thực hiện thí điểm loại hình bảo hiểm này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2010 tại Quyết định 2011/QĐ - TTg.

img
Doanh nghiệp không mặn mà với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Theo đó, 23 mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên cả nước được chọn thí điểm BHTDXK, trong đó có 9 mặt hàng nông sản gồm: Thủy sản, gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè và các sản phẩm từ sắn. Ngoài ra còn có các mặt hàng khác như may mặc, thủ công mỹ nghệ… Tham gia BHTDXK, doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm, trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng được hỗ trợ các chi phí ban đầu để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nhà nhập khẩu, nguồn nhân lực để đánh giá rủi ro tại tất cả các nước trên thế giới…

Với mức ưu đãi này, bà Võ Thị Phương Anh – đại diện Công ty TNHH một thành viên Coface Việt Nam cho rằng: “Là tổ chức cung cấp giải pháp bảo hiểm tín dụng đa quốc gia có mặt trực tiếp tại 66 nước trên thế giới, hoạt động thông qua các đối tác khác tại 44 nước khác nhưng chúng tôi chưa thấy nơi nào có mức hỗ trợ phí bảo hiểm lên đến 20% như tại Việt Nam”.

Doanh nghiệp vẫn chê

Mục tiêu đề ra trong Quyết định 2011 của Thủ tướng Chính phủ là đến cuối năm 2013, tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được BHTDXK. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai chương trình thí điểm, số lượng hợp đồng và doanh thu đem lại từ loại hình bảo hiểm này vẫn rất thấp. Ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2011 có 15 hợp đồng BHTDXK được ký kết, 5 trong tổng số 7 DNBH được chọn lựa để thí điểm mô hình bảo hiểm này triển khai thực hiện. Giá trị các hợp đồng BHTDXK đạt khoảng 3.700 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012, số hợp đồng BHTDXK được ký kết chỉ còn 6 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 471 tỷ đồng, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. “Với tốc độ triển khai thực hiện như hiện nay, mục tiêu 3% kim ngạch xuất nhập khẩu được BHTDXK còn rất xa vời” - ông Hà nhận định.

Bà Võ Thị Phương Anh - đại diện Công ty TNHH Coface Việt Nam: “Có đến hơn 90% số DNXK Việt Nam hiện nay không áp dụng các phương thức quản lý rủi ro, quản lý tín dụng trong hoạt động xuất khẩu. Việc giao dịch chủ yếu dựa trên quan hệ cảm tính giữa hai bên dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như quỵt tiền hàng, trì hoãn thanh toán…”.

Theo nhiều DNXK, cái khó trong việc tham gia BHTDXK hiện nay là dù được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm, nhưng trong tình hình thị trường khó khăn thời gian qua, việc trả 80% phí BHTDXK cũng khiến giá thành tăng thêm, làm giảm sự cạnh tranh của sản phẩm.

Theo ông Lê Minh Trượng – Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, tỷ lệ rủi ro tín dụng trong mặt hàng gạo xuất khẩu cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác hiện nay lên đến hơn 90%, đặc biệt là tại các thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan…

Tuy nhiên, phần lớn các rủi ro thường gặp như nhà nhập khẩu đặt ra nhiều tiêu chí về chất lượng để hạ giá thành sản phẩm, trì hoãn việc thanh toán hoặc không nhận hàng… đều bị đơn vị bảo hiểm liệt kê vào trường hợp tranh chấp thương mại và từ chối BHTDXK.

“Công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam còn hạn chế, rất dễ rơi vào các tranh chấp thương mại do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong trường hợp này, đơn vị bảo hiểm nên hỗ trợ một phần chi phí để DNXK thuê luật sư hoặc bồi thường hợp đồng cho đối tác” - ông Trượng đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem