dd/mm/yyyy

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn “đói” vốn

Từ khi Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ là dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đến nay, sau hơn 3 năm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp vẫn "đói" vốn vì tiếp cận vốn vay rất khó khăn.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ ngân hàng

Tập đoàn Hiền Lê (Hiền Lê Group) được biết đến là doanh nghiệp (DN) mạnh tay trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Tuy nhiên thực tế cho thấy để đáp ứng được yêu cầu chất lượng nông sản khi xuất khẩu DN này cũng đã gặp không ít khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê, DN của bà bắt đầu làm nông nghiệp CNC được 5 năm. Được Tập đoàn Nosui của Nhật giúp đỡ về công nghệ, nhà máy đến từng cánh đồng ruộng. Hiện tại nông sản sau khi chế biến sâu được xuất khẩu đi Nhật, Anh, Đức, Bỉ.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn “đói” vốn - Ảnh 1.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX rau quả Thắng Lợi (tại xã Sa Pả, Sa Pa). Ảnh: M.N

"Để phát triển liên kết nông nghiệp phát triển bền vững thì vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là quan trọng nhất trong "4 nhà" hay "6 nhà".

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Tập đoàn Hiền Lê có nhà máy chế biến rau củ quả tại Hải Dương và vùng nguyên liệu 260ha tự sản xuất tại Hải Phòng. Từ nhà máy tới đồng ruộng hoàn toàn làm theo công nghệ cao với 95% hệ thống robot. Nhà máy được đánh giá đứng thứ nhì châu Á theo nhận xét của Tập đoàn Nosui của Nhật. Mặc dù sở hữu mô hình nông nghiệp CNC tương đối khủng, tuy nhiên, theo bà Hiền, để tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp CNC bất cập lớn nhất đối với các DN là tiếp cận nguồn vốn. "Phía ngân hàng chúng tôi rất khó tiếp cận nguồn vốn, vì đi ngân hàng nào cũng vậy ô tô thế chấp được ngay nhưng máy cày, máy gặt đập thì không thế chấp được. Hàng tỷ đồng một cái máy nhưng về thế chấp không vay được tiền từ ngân hàng" - bà Hiền bày tỏ.

Ngân hàng cũng gặp khó

Liên quan tới việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó phòng Phát triển giải pháp tài chính, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, hiện nay, các giải pháp tài chính tăng cường cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng CNC, với mắt xích chính là DN và cho vay trọn đời dự án… là chưa có những phương án đồng bộ.

Xuất phát từ những vấn đề đó, bà Thùy Dương cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan có chính sách về dự trữ bắt buộc để các ngân hàng thương mại cho vay sản xuất nông nghiệp và xóa nợ đối với các khoản vay không có khả năng thu hồi đối với các rủi ro liên quan…

Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tín dụng khuyến khích nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.

Từ đầu năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp ứng dụng CNC.

Bà Giang cũng đưa ra con số về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ (gói 100.000 tỷ đồng), đó là, đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt hơn 67.500 tỷ đồng, dư nợ khoảng 27.000 tỷ đồng với hơn 13.000 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình, chủ yếu là cho vay trung, dài hạn.

Tuy nhiên, theo bà Giang việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp CNC có vốn đầu tư lớn, nhưng hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và DN ứng dụng CNC được công nhận chưa nhiều.

"Hiện chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC bài bản, hiệu quả, một số DN chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng được tiêu chí nông nghiệp CNC theo quy định, thị trường tiêu thụ không ổn định" - bà Giang đưa ra dẫn chứng. 

Minh Ngọc