Doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM thưởng tết ra sao?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 27/12/2021 18:52 PM (GMT+7)
Mức thưởng Tết phổ biến tại các doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM là 1-1,5 tháng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các doanh nghiệp (DN) đều cam kết có việc làm cho công nhân ít nhất tới tháng 6 năm sau…
Bình luận 0
Doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM thưởng tết ra sao? - Ảnh 1.

Với nhiều công nhân may ở TP.HCM, việc được thưởng tết 1 -1,5 tháng lương trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay đã là rất may mắn... - Ảnh: Quốc Hải

Có thưởng tết là… may rồi!

Làm việc tại một DN may mặc tại quận Bình Tân, TP.HCM hơn 3 năm nay, chị Lê Thị Tuyết (quê Tiền Giang), nói "chưa khi nào thấy doanh nghiệp khó khăn đến vậy".

Theo Tuyết kể, ngay từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, khi dịch bắt đầu bùng phát thì DN của chị phải đóng cửa, do chưa chuẩn bị được các điều kiện hoạt động "3 tại chỗ". Đến đầu tháng 8, DN hoạt động cầm chừng trở lại với nửa số lao động theo mô hình "3 tại chỗ" để… trả nợ đơn hàng. Rồi khi TP mở cửa trở lại vào đầu tháng 10, DN của chị cũng hoạt động nhưng chỉ với khoảng 80-85% lao động.

"Tôi cứ đinh ninh năm nay sẽ khó có thưởng tết nhưng mới cuối tuần rồi trước kỳ nghỉ lễ Noel, DN thông báo năm nay được thưởng Tết một tháng lương", chị Tuyết vui vẻ nói.

Cũng theo chị Tuyết, mọi năm, mức thưởng tết của lao động trong DN chị từ 2-3 tháng lương tùy theo thâm niên. Năm nay mức thưởng được "cào bằng" là 1 tháng lương, thấp hơn mọi năm nhưng với rất nhiều công nhân giống chị Tuyết - "năm nay có thưởng là may rồi".

Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP may mặc Dony, cho hay năm nay do tình hình gặp khó khăn vì dịch bệnh nên công ty sẽ cố gắng đảm bảo trả lương, cộng thêm tháng lương 13 và một số trợ cấp, phụ cấp như tàu xe để anh em về quê… Chứ không thể có mức thưởng "xông xênh" bằng năm ngoái được.

"Trong kế hoạch, đầu năm mới Dony sẽ tăng lương cho công nhân, đồng thời cũng đảm bảo công việc cho anh em ít nhất đến tháng 6 năm sau. Bởi, chưa biết tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao, DN còn phải chuẩn bị dòng tiền để chuẩn bị cho các kế hoạch đầu năm mới cũng như duy trì sự phát triển bền vững thì mới đảm bảo công việc dài hạn cho anh em công nhân được", ông Quang Anh nói.

Cũng theo ông Quang Anh, dự kiến, đầu năm mới Dony sẽ mở thêm 2-3 chuyền để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng nên sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm 80-100 lao động.

Doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM thưởng tết ra sao? - Ảnh 2.

Các DN dệt may phía Nam đều có gắng thưởng cho công nhân 1-1,5 tháng lương dịp tết 2022 - Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, với Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Khu công nghiệp Tân Bình) – dù không hoàn thành kế hoạch sản xuất năm nhưng DN này vẫn thưởng Tết cho 4.000 lao động.

Trước đó, giữa tháng 9, Dệt may Thành Công báo lỗ tháng đầu tiên trong năm vì tốn nhiều chi phí hoạt động theo phương thức sản xuất "3 tại chỗ". Doanh thu tháng 8 đạt hơn 239 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 6,4 tỷ đồng. Tháng này năm trước, công ty lãi gần 23 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty cho biết dự kiến cả năm nhà máy chỉ đạt phân nửa kế hoạch lợi nhuận đặt ra, nhưng xét về tổng thể cả năm không bị thua lỗ. Thưởng Tết đã được công ty đưa vào quy chế hoạt động và là chính sách động viên công nhân cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc.

"Đây cũng là cách cảm ơn người lao động đã đồng hành với công ty suốt 4 tháng thực hiện "3 tại chỗ" với rất nhiều khó khăn" – ông Tuấn nói.

Cụ thể, thu nhập trung bình hàng tháng của công nhân trực tiếp sản xuất là 8,5 triệu đồng. Các năm trước mức thưởng cao nhất dành cho nhóm xuất sắc là 2,5 tháng lương, 70-80% nhân sự hoàn thành tốt công việc theo đánh giá KPI sẽ nhận được 2 tháng và thấp nhất một tháng. Năm nay do lợi nhuận giảm nên dự kiến mức thưởng 2 tháng sẽ còn 1,5-1,7 tháng.

Mức thưởng phổ biến từ 1-1,5 tháng

Theo khảo sát của Dân Việt, tại các DN dệt may tại TP.HCM, mức thưởng tết Nhâm Dần năm nay chỉ trung bình từ 1-1,5 tháng lương.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết có sự phân hóa giữa mức thưởng của DN dệt may phía Bắc, Trung và Nam trong tập đoàn.

Theo ông Hiếu, tại TP.HCM và một số tỉnh, thành lân cận chịu nhiều thiệt hại bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài, các DN cố gắng thưởng tối thiểu một tháng lương cho người lao động. Đơn vị nào làm ăn tốt, lấy lại đơn hàng nhiều trong quý IV thì thưởng 1,5-2 tháng lương.

Doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM thưởng tết ra sao? - Ảnh 4.

Ngành dệt may về đích năm 2021 với mức xuất khẩu đạt 39 tỷ USD... - Ảnh: Quốc Hải

Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid-19 trong năm 2021. Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM,… đợt dịch thứ 4 đã khiến công suất ngành này sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. 

 Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, Việt Nam thay đổi chính sách "không Covid" sang thích ứng an toàn và "sống chung" với dịch. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động, kết hợp một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... mở cửa, giúp ngành tăng trưởng trở lại. 

Cụ thể, mức tăng trưởng cao trong quý 4 đã giúp ngành về đích với mức xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tương đương năm 2019 và tăng hơn 11% so với cùng kỳ 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem