Doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc, cơ hội của ngành thủy sản

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 09/05/2020 15:05 PM (GMT+7)
Nhờ nỗ lực chống dịch Covid-19 hiệu quả, hàng loạt cơ hội đã được ngành thủy sản nhận diện và sẵn sàng đón nhận để vực dậy sau đại dịch.
Bình luận 0

 Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế ngày 9/5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, dịch Covid-19 đã lan rộng, đã tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp và nông, ngư dân trong chuỗi sản xuất thủy sản.

Tuy nhiên, với phương châm vừa sản xuất vừa chống dịch, ngành đã cơ bản vượt qua đại dịch, đang phục hồi nhanh, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2020 không bị sụt giảm so năm ngoái.

Ngành thủy sản tranh thủ thời cơ khi đối thủ còn lùng bùng trong đại dịch - Ảnh 1.

Vasep đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sẽ đạt 8,6 tỷ USD

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt 8,6 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so cùng kỳ năm 2019 để đảm bảo cho phần thiếu hụt của xuất khẩu cá tra chỉ có thể đạt ở mức 1,6 tỷ USD. Riêng ngành hải sản khai thác có thể duy trì ở mức như năm ngoái là 3,2 tỷ USD.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho biết, với những diễn biến nhanh trong thời gian qua, Vasep đã nhận diện được rất nhiều cơ hội để ngành có thể tận dụng tốt trong thời gian tới.

Trước hết, nỗ lực chống dịch vừa qua đã khiến niềm tin các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu bán lẻ với Việt Nam gia tăng đáng kể. Doanh nghiệp và người dân đã tin tưởng, tiêp tục thả nuôi và tham gia sản xuất ngay trong thời gian nhằm đón bắt các cơ hội tốt hơn.

Thứ hai, các quốc gia sản xuất lớn vẫn còn đang bị kẹt trong dịch Covid-19, vì thế sẽ có độ trễ đáng kể so với Việt Nam. "Để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới, sự thay thế của Việt Nam trên thị trường sẽ là cơ hội để thủy sản phát triển mạnh thời gian tới", ông Hòe nói.

Thứ ba, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng, chế biến thủy hải sản hầu như không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản như thuốc, hóa chất, bao bì vật tư... đã có cơ hội phát triển tại Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất của mình.

Thứ 4, Vasep nhận định sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra chiến tranh thương mại.

Thứ 5, nhu cầu thực phẩm sau đại dịch được dự báo sẽ tăng mạnh. "Đây là 1 thực tế vì qua số liệu thì trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản đã đạt mức hơn 720 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với tháng 3", ông Hòe cho biết.

Ngành thủy sản tranh thủ thời cơ khi đối thủ còn lùng bùng trong đại dịch - Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản tháng 4 đạt hơn 720 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với tháng 3 dù đang là thời điểm có dịch.

Từ những cơ hội này, đại diện Vasep đề xuất đến Chính phủ và bộ ngành các giải pháp để hỗ trợ ngành thủy sản trong ngắn hạn.

Hiện tại, nhu cầu thủy sản thế giới có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có kích thước nhỏ và giá rẻ hơn. Tuy nhiên, trong nước vẫn còn có 1 số sản phẩm nuôi đang ở cỡ lớn, không được thu mua.

Vasep đề nghị ngân hàng nhà nước nghiên cứu, lựa một doanh nghiệp ở mỗi địa phương có nhu cầu thực sự để mua được sản phẩm của nông ngư dân, dự trữ chờ bán sau dịch. Trên cơ sở đó, có chính sách tín dụng để giúp địa phương, doanh nghiệp đó có nguồn vốn hoạt động, giúp nông dân giải quyết vấn đề khó khăn.

Chính phủ và các bộ ngành tạo điều kiện hỗ trợ cho Bộ NNPTNT tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm, người khai thác biển ngay từ tháng 5. Theo ông Hòe, việc này nhằm giúp nông ngư dân bắc kịp thời cơ trong tháng 7, 8 khi thị trường thế giới phục hồi, tiêu thụ tăng cao trở lại nhưng các nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Bên cạnh đó, cần có  chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động. Vì thực tế thiếu lao động đang là một mối lo đối với cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ thủy sản hiện nay.

Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cụ thể như cơ chế xây dựng kho lạnh trữ hàng, điều chỉnh đánh giá rủi ro tín dụng cao với nhóm hàng thủy sản...

Về dài hạn, Vasep nhấn mạnh đến việc cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược đầu tư cho thương mại nông thủy sản khu vực biên giới, phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa.

Đi kèm là cách thức tổ chức các trung tâm phân phối hàng thủy sản cùng với kho ngoại quan phía Việt Nam để cung cấp thường xuyên ổn định cho nhu cầu ở phía các tỉnh giáp biên Trung Quốc.

"Sau cùng là thúc đẩy hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nuôi trồng thủy sản, mở rộng thị trường trong bối cảnh mới và gia tăng sức cạnh tranh cho ngành sau dịch", ông Hòe đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem