Doanh nghiệp: Độc quyền giống ngô biến đổi gene là “không tưởng”

Thứ ba, ngày 02/09/2014 14:10 PM (GMT+7)
Trái với thái độ dè dặt của những nhà làm chính sách nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp tỏ ra tự tin mạnh mẽ về cơ hội được sản xuất, kinh doanh một số giống cây trồng biến đổi gene tại Việt Nam. Dân Việt xin giới thiệu ý kiến của 3 người trong cuộc.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Hồng Chính - Giám đốc Đối ngoại Công ty Dekalb Việt Nam (Monsanto):

"Trong môi trường kinh doanh hiện nay, việc một công ty nào đó có thể độc chiếm thị trường, mà cụ thể là thị trường giống ngô lai hiện nay là điều không tưởng.

Câu hỏi tương tự cũng đã được đặt ra khi chúng ta bắt đầu đưa giống ngô lai F1 vào sử dụng tại Việt Nam từ những năm 90. Tại thời điểm đó, năng suất ngô trung bình tại Việt Nam chỉ đạt 2 tấn/ha, nhờ ứng dụng giống ngô lai năng suất ngô trung bình của Việt Nam đã tăng gấp đôi và sản lượng tăng gấp 3 lần. 

Từ đó thị trường hạt giống lai F1 đã được hình thành, rất nhiều doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả là hiện chúng ta đã chủ động được đến 40 – 50% lượng giống trong nước. Đây chính là quy luật vận động và phát triển tự nhiên của thị trường. Không công ty nào, không sản phẩm giống nào có thể đi ngược lại quy luật phát triển này. 

Do vậy, việc đưa hạt giống chuyển gene vào thị trường Việt Nam chỉ đơn thuần là sẽ cung cấp thêm lựa chọn cho thị trường, cho khách hàng, mà ở đây cụ thể là nông dân. Nông dân sẽ là người quyết định chọn giống cây nào họ thực tế thấy có hiệu quả.

Tại Monsanto, chúng tôi cam kết thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, hợp tác cùng phát triển và tuân thủ luật pháp trong mọi hoạt động kinh doanh của công ty tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng mọi giải pháp đưa ra chỉ thành công khi chúng ta đặt vị thế của người nông dân làm trọng tâm, đảm bảo lợi ích bền vững, giúp nông dân sản xuất nhiều hơn trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. 

Hơn nữa, các tính trạng chuyển gene chỉ được phát huy khi chúng được tích hợp vào một nền tảng giống lai F1 tốt, và quan trọng hơn cả, năng suất và thu nhập sẽ chỉ được cải thiện khi các giống tốt này được nông dân canh tác với một nền tảng kỹ thuật canh tác phù hợp. 

Chỉ khi người nông dân được trải nghiệm với công nghệ mới, kỹ thuật canh tác mới, hiểu được giá trị của từng hạt giống và có sự lựa chọn trong quyết định đầu tư trên chính mảnh ruộng của mình thì chúng ta mới có thể giới thiệu thành công hạt giống biến đổi gene ra thị trường”.

Bà Lê Thị Khánh Hoà - Giám đốc Đối ngoại, Công ty Syngenta Việt Nam: 

Giá trị của cạnh tranh – bài học từ ngô lai

Đã có một số lo ngại rằng, việc giới thiệu công nghệ GM có thể sẽ dẫn tới  việc các kỹ thuật công nghệ này sẽ nằm trong tay một số công ty lớn độc quyền. Tuy nhiên điều này không thể xảy ra vì sự cạnh tranh và đầu tư đã nằm ngay trong quy trình phát triển công nghệ GM rồi.

Hơn nữa, khi mà công nghệ GM được tự do thương mại tại Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cạnh tranh hơn. Với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, chuyển giao khoa học kỹ thuật trên mọi lĩnh vực là một thực tế và tất yếu của sự phát triển. Do đó chúng ta đã thấy không có độc quyền trong bất cứ một kỹ thuật công nghệ nào. 

Sự phát triển giống ngô lai ở Việt Nam chính là một bằng chứng minh họa cho việc nếu không có đầu tư và chuyển giao công nghệ giống lai cũng như sự hợp tác với các công ty R&D quốc tế  thì Việt Nam đã không thể có được thị trường ngô với trên 95% là giống ngô lai như hiện nay, nếu so sánh với chỉ khoảng 10% trong những năm đầu thập kỷ 90. 

Chính việc cạnh tranh trong lĩnh vực cung ứng giống lai trên thị trường Việt Nam trong hơn 15 năm qua đã tạo ra động lực to lớn cho các công ty Việt Nam xây dựng, phát triển và vươn lên mạnh mẽ trong sản xuất nghiên cứu và phát triển giống ngô lai trong nước, tạo ra những thương hiệu giống ngô lai Việt Nam có sức cạnh tranh ngang ngửa với các giống lai nhập ngoại. Điều này thể hiện rất rõ khi thị phần giống lai sản xuất trong nước hiện đã chiếm trên 50% so với gần như không có gì vào những năm đầu thập kỷ 90.

Ông Phạm Chí Hoà - Giám đốc Công nghệ sinh học và Pháp chế Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam:

Mục tiêu là cung cấp hạt giống tốt

DuPont Pioneer tin rằng, mặc dù khoa học mang tính toàn cầu, các giải pháp cụ thể lại mang tính khu vực, địa phương. Đó là lý do chúng tôi là một thành viên tích cực của Tổ chức CropLife Việt Nam, là tổ chức được thành lập với mục đích tập hợp nông dân, chính phủ, các nhà khoa học và các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm giúp đảm bảo công nghệ sinh học được triển khai một cách đúng đắn.

Mục tiêu của chúng tôi tại DuPont Pioneer là cung cấp hạt giống chất lượng tốt và hướng dẫn cho khách hàng là những người nông dân của chúng tôi. Bởi vì chúng tôi thực sự hiểu rõ: Khi họ (những khách hàng nông dân của chúng tôi) thành công, sẽ không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ tại địa phương, mà điều đó đồng nghĩa sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với cộng đồng nông nghiệp toàn cầu.

Thanh Xuân- Trâm Anh ( thực hiện) (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem