Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, Thống đốc Lê Minh Hưng nói gì?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 08/05/2020 18:08 PM (GMT+7)
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.
Bình luận 0

"Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp", "Lượng khách hàng gửi đơn xin cơ cấu nợ tại Ngân hàng tăng chóng mặt khiến các bộ phận liên quan phải chạy hết tốc lực".

Đó là thông tin được lãnh đạo của 2 nhà băng (OCB và HDBank) chia sẻ khi nói về việc triển khai hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp (DN) khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Sự nỗ lực này của các ngân hàng thương mại (NHTM)  được chứng minh trên thực tế.

 “Hy sinh” tối thiểu 100 nghìn tỷ lợi nhuận để khôi phục sản xuất kinh doanh cho DN - Ảnh 1.

Dồn lực cứu doanh nghiệp, nhưng các NHTM vẫn phải duy trì hoạt động an toàn, ổn định.

"Hy sinh" tối thiểu 100 nghìn tỷ lợi nhuận để khôi phục sản xuất kinh doanh cho DN

Sở hữu chuỗi cửa hàng bánh ngọt và đồ uống Paris Gateaux, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Paris Gateaux Việt Nam cho biết: Paris Gateaux đã gần như phải đóng cửa hoàn toàn cả tháng nay. Không có doanh thu, hơn 500 lao động, cộng với khoản vay cả trăm tỷ đồng khiến cho bất cứ ai cũng không khỏi hoang mang.

Thế nhưng, ngay trong lúc gian nan ấy, doanh nghiệp đã nhận được đồng thời cả việc giãn nợ cùng với giảm lãi suất từ phía ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ, "Các ngân hàng đã hỗ trợ chúng tôi rất kịp thời. Ngân hàng chủ động phối hợp với chúng tôi để triển khai các chính sách miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ đúng vào lúc chúng tôi kiệt quệ, khó khăn nhất".

Từng hoài nghi về chương trình hỗ trợ tín dụng của ngân hàng sẽ khó tiếp cận, nhưng đến thời điểm hiện tại, ông chủ doanh nghiệp mang tên Vua nệm đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận của mình khi công ty được giãn nợ và miễn giảm lãi suất. Được ứng cứu kịp thời, nên điều mong mỏi nhất của Vua nệm là doanh nghiệp được hồi sinh đã thành hiện thực.

"Tôi đánh giá các ngân hàng họ cũng rất nhanh chóng và chủ động để cùng với doanh nghiệp gỡ khó và giúp cho các doanh nghiệp như chúng tôi vượt qua được thời kỳ khó khăn này". Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vua Nệm nhấn mạnh.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn vay với mức lãi suất thấp hơn cả lãi suất mà ngân hàng đang huy động kỳ hạn 1 năm. Chẳng hạn, với Công ty TNHH Vĩnh Long, ông Bùi Thế Vinh – Giám đốc điều hành chia sẻ: "Ngân hàng đã cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất xuống còn 6,75%. Đối với những khoản vay mới, chúng tôi cũng nhận được lãi suất ưu đãi là 6,75%/năm. Ngoài ra, về thủ tục, ngân hàng rất tích cực hỗ trợ chúng tôi để hoàn tất, mất 3 – 5 ngày để hoàn thiện hồ sơ cho ngân hàng".

Tương tự, đối với Công ty Hướng Xanh (Hà Nội), thay vì hàng tháng phải trả 40 triệu đồng cả gốc và lãi thì nay, Công ty chỉ phải trả một nửa. Không những vậy, ngân hàng còn tiếp tục xem xét cho doanh nghiệp được vay mới để trợ giúp duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn.

Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít các doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian vừa qua. Trong một báo cáo mới đây của NHNN, với sự triển khai tích cực, quyết liệt của cả hệ thống, đến cuối tháng 4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29 nghìn tỷ đồng.

Các TCTD cũng đã hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng trên 980 nghìn tỷ đồng với mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%. Thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng.

Đồng thời, cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho khoảng 150 nghìn khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) đạt trên 500 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính trung bình trong gần 1 triệu tỷ đồng đã được các NHTM hạ lãi suất 1% thì lợi nhuận của các NHTM trong năm nay giảm ít nhất 100 nghìn tỷ đồng, và các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng số tiền này để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Ngân hàng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá NHNN và ngành ngân hàng đã xử lý cụ thể, thống nhất và khắc phục hậu quả nhanh chóng bằng những biện pháp mạnh mẽ.

"Trước hết, chúng ta có thể cảm thấy vui mừng rằng các đồng chí đã bước đầu kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững niềm tin cộng đồng. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng với nền kinh tế, đảm bảo ổn định lâu dài. Việc thực hiện tốt Thông tư 01 của Thống đốc NHNN đến các chi nhánh như kiểm soát nợ, hạ lãi suất, tạo điều kiện vay vốn, cơ cấu lại nợ là vô cùng quan trọng. Chúng ta vui mừng trong việc tỷ giá ổn định; đặc biệt là tỷ giá đồng Việt Nam đã thực hiện rất đúng đắn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp" – Thủ tướng nhận định.

Giảm lãi, phục vụ nhanh hơn nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng

Dù vậy, trên thực tế vẫn còn có những doanh nghiệp "than" khó khi tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại. Vì sao?

Lý giải cho vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong điều hành, hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các TCTD là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

 “Hy sinh” tối thiểu 100 nghìn tỷ lợi nhuận để khôi phục sản xuất kinh doanh cho DN - Ảnh 3.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.

Do đó, ngành ngân hàng không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ của ngân hàng, những tiêu chuẩn, điều kiện vì yêu cầu tiên quyết là để đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.

Vừa qua, NHNN đã trực tiếp làm việc với VCCI và một số Hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN đã lập đường dây nóng giao cho lãnh đạo, Giám đốc NHNN trên địa bàn các tỉnh thành phố, yêu cầu phải trực tiếp làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp, các sở ban ngành trên các địa bàn để xử lý cụ thể những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Vì khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp rất đa dạng, đặc biệt là liên quan đến tín dụng; chứ không phải vấn đề lúc nào cũng đề nghị giảm lãi suất, cung cấp tín dụng.

Thống đốc Lê Minh Hưng nói: "Chúng tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo các Bộ trực tiếp trao đổi với NHNN xử lý trực tiếp các vướng mắc, kiến nghị. Chúng tôi cũng cung cấp đầy đủ các thông tin. Có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả không có dịch cũng rất khó khăn, không thể xử lý được các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, những kiến nghị cụ thể sẽ được xử lý. NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD trên địa bàn toàn quốc để trực tiếp xử lý và tháo gỡ những kiến nghị. Nhưng những doanh nghiệp với phương án phải đảm bảo khả thi, có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích, có khả năng trả được nợ thì mới được các TCTD xem xét."

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank thừa nhận, việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hệ quả nợ xấu. Tuy nhiên, VietinBank bằng nhiều giải pháp đang nỗ lực cho khách hàng đủ điều kiện, có phương án tốt giải ngân vốn một cách nhanh nhất.

"Đối với các lĩnh vực thiết yếu, chúng tôi chỉ đạo rất nghiêm túc giảm ngay lãi suất 2 - 2,5%/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 - 1,5%/năm", ông Thọ nói.

Phía Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, các ngân hàng đang phải vừa thực hiện mục tiêu kép vừa giữ hoạt động ổn định, vừa hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. "Việc giảm lãi suất, mỗi ngân hàng có năng lực tài chính khác nhau. Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các doanh nghiệp. Chúng tôi giảm đồng loạt trên hệ thống từ nay đến 30/9", ông Thành thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank cũng lo lắng bởi ngân hàng đi huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn. "Điều này lý giải vì sao có một số doanh nghiệp phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có... chưa tiếp cận được vốn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro", ông Thành bày tỏ.

"Chìa khóa" nằm ở đâu?

"Vấn đề hiện nay không phải lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được",

TS. Cấn Văn Lực

Nêu quan điểm về vấn đề này, giới chuyên gia đều cho rằng, gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng là do các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Do vậy, khi ngân hàng xem xét khoản cho vay này, họ sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của mình trong thực hiện các khoản vay này. Bên cạnh chia sẻ với doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải tính đến rủi ro cho vay, phải tính đến khả năng hoàn vốn.

TS. Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh, phía doanh nghiệp phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ mới đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300.000 tỷ đồng mà các NHTM đang triển khai. Các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam.

"Theo quan điểm của tôi, việc nhiều doanh nghiệp kêu chậm được ngân hàng cơ cấu nợ, chậm tiếp cận gói 300.000 tỷ đồng có lẽ là tương đối nóng vội. Rõ ràng, vấn đề này đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực nhiều hơn để tìm tiếng nói chung tốt hơn. Ví dụ, để hưởng ưu đãi giãn nợ, giảm lãi vay 1-2%, doanh nghiệp nên thiện chí chứng minh sự thiệt hại bởi Covid-19, chứ không nên coi đó là điều kiện, là thủ tục ngân hàng đưa ra để làm khó", TS. Lực nói.

Cũng phải nói thêm rằng, ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, ngân hàng sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn.

TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, ngân hàng không thiếu vốn. Tuy nhiên hiện khả năng hấp thụ vốn của DN đang rất yếu. Bằng chứng là tín dụng quý I/2020 chỉ tăng 1,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng ở mức 3,2%. "Vấn đề hiện nay không phải lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được", ông Lực nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem