Doanh nghiệp khốn khổ, đảo lộn sản xuất vì điện lực Hà Nội, Bắc Ninh cắt điện đột ngột

An Linh Thứ tư, ngày 07/06/2023 14:06 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp tại các huyện Hoài Đức (Hà Nội), khu công nghiệp tại TP.Từ Sơn (Bắc Ninh) bị cắt điện mà chỉ được thông báo trước ít giờ khiến họ xáo trộn, đảo lộn hoàn toàn lịch sản xuất, đơn hàng.
Bình luận 0

Doanh nghiệp bị cắt điện đảo lộn sản xuất

Trao đổi với PV Dân Việt sáng 7/6 một số doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương của Hà Nội bị cắt điện rất bức xúc vì điện lực của Hà Nội ngừng cung cấp điện mà không báo trước lịch cắt điện cho họ.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), trong tuần qua đến hôm nay 7/6, doanh nghiệp bị cắt điện 3 lần, trong đó thời gian cắt điện đều trên 20 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, phía đơn vị cung cấp điện chỉ thông báo trước đó vài tiếng.

"Chúng tôi bị cắt điện, ảnh hưởng sản xuất, đảo lộn, chậm tiến độ, thiệt hại rất lớn đến doanh nghiệp. Việc cắt điện đã làm thay đổi toàn bộ giờ làm việc của nhân viên, công ty phải chuyển sang làm việc từ 16 giờ đến 22 giờ (ca tối). Việc này làm doanh nghiệp phải chi thêm tiền trợ cấp giờ làm và thay đổi sinh hoạt của mọi người", ông Tuấn Anh nói.

Doanh nghiệp khốn khổ, đảo lộn sản xuất vì điện lực Hà Nội, Bắc Ninh cắt điện đột ngột. - Ảnh 1.

Nhiều nơi tại Hà Nội doanh nghiệp than trời vì bị cắt điện (Ảnh Danviet).

Theo doanh nghiệp này, từ ngày 29/5 đến hết ngày 7/6, doanh nghiệp bị cắt điện 3 lần, cắt điện từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều. "Chúng tôi hỏi quy định cắt điện phải báo trước 24 giờ đến 5 ngày làm việc, nhưng họ trả lời do phát sinh nên đến cuối là họ cắt. Không lường trước được!", ông Tuấn Anh than thở.

Đại diện PMA đề nghị điện lực cần thông báo đúng lịch cắt điện đến các đơn vị, trong đó có ngày giờ cắt, lộ trình cắt như thế nào để doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó!

Theo doanh nghiệp này, việc bất ngờ bị cắt điện khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí tài chính, chi trả trợ cấp. Bởi: "thời gian sử dụng điện cao điểm 16 giờ đến 22 giờ đắt gấp đôi giờ thấp điểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị cắt điện sẽ không kịp sản xuất đơn hàng, ảnh hưởng đến đơn hàng giao hàng, thậm chí cả sản lượng, năng suất".

Ông Tuấn Anh nói: "Phòng hành chính làm một giờ, phòng sản xuất làm một giờ, những thông tin trao đổi không được cập nhật, rối loạn quản trị sản xuất".

Tương tự, ông Ngô Sách Vinh (Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Cơ khí Sao Việt (SAVIMEC) tại Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) than thở tình trạng cắt điện, trong đó điện lực Bắc Ninh thông báo cắt điện chỉ trước đó 30 phút.

"Điện lực cắt điện 20 giờ đồng hồ, mấy hôm trước, họ cũng cắt điện 24 giờ đồng hồ nhưng chỉ thông báo chúng tôi trước một ngày. Nói chung họ cắt điện như này làm hỏng hết kế hoạch của doanh nghiệp, chậm kế hoạch giao hàng, chậm tiến độ, bị phạt hợp đồng…", ông Vinh chia sẻ.

Ông Vinh nói: "Quy định thông báo trước cho doanh nghiệp 5 ngày nhưng họ không thực hiện thì chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai!".

Theo ông Vinh, cắt điện khiến doanh nghiệp bất khả kháng, phải tận dụng lúc có điện huy động anh em công nhân đi làm, thậm chí làm cả đêm đến sáng. "Hiện trạng cắt điện từ tuần trước đến hôm nay 7/6 là 3 ngày, trong đó 2 ngày cắt điện 24 tiếng, một ngày cắt 20 tiếng", ông Vinh nói.

Dẫn chứng, ông Vinh cho biết, ngay chiều hôm qua (6/6), 15 giờ họ báo cho chúng tôi sẽ cắt điện, thì 20 giờ họ đã cắt điện. Báo chỉ vài tiếng trước, khiến doanh nghiệp, người lao động xoay không kịp.

Tương tự trường hợp hai doanh nghiệp trên, ông Nguyễn Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (địa chỉ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhà máy tại Hoài Đức, Hà Nội 

Nhà máy 3 của doanh nghiệp này tại huyện Hoài Đức, Hà Nội chỉ thông báo cắt điện đến doanh nghiệp trước một ngày. Bất khả kháng, công ty phải thông báo cho người lao động sắp xếp công việc, chuyển lịch sang làm việc sang thứ 7, chủ nhật.

Chúng tôi hiểu và thông cảm cho ngành điện. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần EVN tôn trọng và phải thông báo cho doanh nghiệp trước 24 giờ để chúng tôi còn thay đổi quản trị, phân công lao động.

Theo Điều 27 Luật Điện lực, trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức thông tin khác.

Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.

Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, do sự cố, sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.

Theo quy định tại khoản 12, 14 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP thì đối với hành vi thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành, đơn vị bán lẻ điện bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng; đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị điện lực cắt điện sai quy định còn có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem