Doanh nghiệp khốn khổ tìm vốn

Thứ hai, ngày 19/12/2011 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối năm, nhu cầu về nguồn vốn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, năm nay nguồn vốn giải ngân từ các ngân hàng gặp “ách tắc” nên doanh nghiệp càng trở nên lao đao.
Bình luận 0

Ngân hàng “buộc bụng”

Một cán bộ tín dụng Ngân hàng Techcombank gọi điện cho phóng viên khẩn khoản mời gửi tiền vào NH. Nhân viên này giải thích: “Vì khoản tiền ấn định nhân viên phải huy động được từ nay đến hết năm lên tới 2 tỷ đồng đang là sức ép rất lớn. Chính vì vậy, cứ sáng ra là phải gọi điện tới từng khách hàng để “khơi gợi” nhu cầu từ họ” - nhân viên này cho biết.

img
Vay được tiền ngân hàng lúc này là mơ ước của nhiều doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Cũng chính nhân viên tín dụng này của Techcombank cho biết: Thời điểm này nhu cầu giải ngân tín dụng gần như tạm thời ngừng lại để chờ đến sang năm âm lịch 2012 mới “khởi động” lại với lý do cuối năm ngân hàng còn phải cân đối mọi nguồn lực.

Chung tình trạng khó khăn trong huy động vốn, một nhân viên tín dụng Ngân hàng MB ở Hà Nội cho biết: "Thời điểm này đòi nợ còn khốn khổ, nói gì đến chuyện cho vay". Theo chị, 2 tháng nay, cán bộ tín dụng của nhiều ngân hàng chỉ ngồi chơi bởi gần như không có “quota” cho giải ngân tín dụng mới (!).

Ông Lý Xuân Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB mới đây đã cho biết, trong nhiều tháng qua ACB đã không tăng danh mục cho vay khách hàng cá nhân vì “lạm phát tăng, nguồn thu nhập trả nợ giảm trong khi lãi suất cho vay cá nhân ít nhất cũng phải 18%/năm”.

Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà hầu hết các ngân hàng tuy không công khai việc ngừng cho vay, nhưng những thủ tục về tài sản thế chấp cũng như lãi suất cao là những yếu tố khiến khoản vay bị “từ chối” một cách khéo léo từ nhiều tháng nay. Một cán bộ của Ngân hàng ANZ cho biết đã tạm ngưng cho vay từ nay đến cuối năm, để tập trung đáp ứng chu toàn dịch vụ thuộc các lĩnh vực khác như tiền gửi, dịch vụ thanh toán, thẻ… Lĩnh vực kinh doanh tín dụng phải chờ đến sang năm 2012 mới tiếp tục triển khai đáp ứng các nhu cầu khách hàng.

Khốn khổ tìm vốn

Việc cán bộ NH bị áp chỉ tiêu, huy động vốn khó khăn đến vậy, thì tình trạng doanh nghiệp đi vay vốn của NH vốn dĩ khó khăn mỗi dịp cuối năm lại càng trở nên căng thẳng. Bà Hoàng Minh Hiền (60 phố Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Giám đốc Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu thiết bị trường học đang chạy đôn chạy đáo hỏi han các mối NH thân quen để vay tiền cũng phải lắc đầu ngán ngẩm "giờ vay tiền khó như tìm trầm".

Bà Hiền cho biết: Gần một tuần nay bà đã hỏi 4 chỗ quen biết, đều mong cầm cố căn nhà để vay 2 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có kết quả gì. NH nào cũng lắc đầu, khéo léo từ chối, "thời điểm này không thể giải ngân”. “Vay được 200 triệu là quá khó, huống hồ là 2 tỷ đồng" - bà Hiền cho biết. Trong khi các đơn vị đối tác của bà đang giục thanh toán, nhân viên công ty mong thưởng tết dương, quỹ lại cạn tiền mặt nên chưa biết xoay xở ra sao (!).

Ngày 17.12, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ngay từ những tháng đầu năm 2012 phải giảm ngay lãi suất cho vay. Thủ tướng nhấn mạnh không có lý do gì không hạ được lãi suất cho vay xuống khi liên tục trong 6 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 1%.

Giám đốc Doanh nghiệp Sản xuất thực phẩm Ông già KIA - ông Nguyễn Hải Sơn cho biết: “Nếu không có được khoản tiền vay từ khoản “kiều hối” ở nước ngoài thì doanh nghiệp tôi với hàng trăm công nhân đã phải đóng cửa vì thua lỗ lâu rồi”.

Cũng theo ông Sơn, thời điểm này, để tránh việc phá sản thì lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải vận dụng mọi nguồn, mọi mối quan hệ để huy động vốn bất kể lãi suất cao tới 23 - 24%. Giờ đây 60% lợi nhuận của doanh nghiệp là để trả lãi ngân hàng với hy vọng vẫn tiếp cận được nguồn vốn để cầm cự, duy trì sản xuất. “Chết từ từ còn hơn chết ngay lập tức” - ông Sơn cho biết.

Theo dự báo của TS Nguyễn Trí Hiếu - Ủy viên Thường trực HĐQT Ngân hàng An Bình, từ nay đến hết quý 2 năm 2012, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ bởi khó khăn từ các NH trong bối cảnh siết chặt tiền tệ chống lạm phát mà còn bởi nền kinh tế chưa phục hồi nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, kéo theo khó trả nợ cho các NH...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem