Doanh nghiệp không giảm cước vận tải, nhà quản lý làm gì?

Vinh Hải Thứ hai, ngày 22/02/2016 15:43 PM (GMT+7)
Cả nước có đến 4.000 tuyến vận tải cố định nhưng mới có khoảng 1.000 tuyến kê khai giá cước.
Bình luận 0

img

Hôm nay (22.2), Bộ GTVT đã chủ trì họp với các cơ quan liên quan, các hiệp hội vận tải và đại diện doanh nghiệp vận tải về giảm giá cước vận tải.

Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết: “Qua các đợt giảm giá xăng dầu, nhiều đơn vị vận tải đã giảm giá cước, tỷ lệ phổ biến từ 3 - 5% mỗi lần kê khai. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vẫn còn doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá hoặc giảm chiếu lệ”.

Ông Ngọc phân tích, hiện nay trong cơ cấu giá thành vận tải thì chi phí nhiên liệu ước chiếm khoảng 25 - 35% đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi),  35 - 45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải khách và hàng hóa), còn lại là 55 - 75% giá thành vận tải bao gồm các chi phí khác như khấu hao, sửa chữa phương tiện, nhân công, chi phí cầu đường, bến bãi ...

Do đó, theo mức giảm giá nhiên liệu các doanh nghiệp vận tải ở 63 tỉnh, thành đã thực hiện giảm giá cước từ 1 - 33%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá: “Việc giảm giá cước vận tải thời gian qua chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu”.

Ông Trường phân tích, cả nước có trên 4.000 tuyến vận tải cố định, trong khi thống kê, kê khai giá chưa đầy 1.000 tuyến. Có trên 300 nghìn xe taxi ở các thành phố lớn, cả nước có khoảng 1.000 hãng taxi nhưng khi giá xăng giảm lại đưa ra rất nhiều lý do để trì hoãn. Trong khi giá xăng tăng là tăng cước vận tải ngay.

Trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Tài chính cho biết hiện đã có 61 doanh nghiệp kinh doanh vận tải nộp hồ sơ kê khai giá cước, trong đó có 21 doanh nghiệp vận tải taxi kê khai giảm giá cước. Nhưng cũng có đến 25 doanh nghiệp taxi kê khai vẫn giữ nguyên giá kê khai lần trước

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho hay: “Họ lấy lý do doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm ở thời điểm tháng 1.2015 tương ứng với mức giá xăng đang là 15.670 đồng. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng như tăng lương tối thiểu vùng, chi phí cầu đường tăng”.

Nói về các nguyên nhân được doanh nghiệp nêu ra như trên, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, “cần phân tích rõ nguyên nhân tại sao doanh  nghiệp chậm giảm giá cước theo xăng. Có doanh nghiệp taxi lấy lý do phí BOT để chưa giảm giá. Hai cái này cần phải tách bạch, không thể lấy cái này bù cái kia”.

Trong tháng 1 vừa qua, Sở Tài chính Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4 doanh nghiệp vận tải về kê khai giá cước với tổng số tiền 160 triệu đồng, gồm Công ty CP ô tô khách Hà  Tây, Công ty TNHH Du lịch Nguyên Minh, Công ty CP 27/7 Thanh Xuân, Công ty CP Đầu tư phát triển thương mại Song Mã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem