Doanh nghiệp lộc phát với đơn hàng ngay sau tết Nguyên đán

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ bảy, ngày 12/02/2022 16:22 PM (GMT+7)
Khởi động năm mới Nhâm Dần, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM liên tiếp ký nhiều đơn hàng và liên tục “sáng đèn” để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Bình luận 0

Mới nhất, ngay ngày mùng 8 tết (âm lịch), Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) ở KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM đã xuất một container cá diêu hồng sang Hàn Quốc. 

Cùng với lô hàng này, hơn 400 công nhân của APT cũng đang ráo riết chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu cho thị trường Úc, Anh, Hà Lan, Nhật Bản…

Doanh nghiệp hồ hởi với đơn hàng mới ngay sau tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - Ảnh: DNCC

Liên tiếp "sáng đèn" để đáp ứng các đơn hàng

Ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc APT cho biết, đầu năm 2022 công ty nhận được nhiều đơn hàng và trong tháng 2 này sẽ xuất 10 container thực phẩm, mỗi container vài chục ngàn USD sang nhiều thị trường. 

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, APT đã khai trương lại từ mùng 5 tết và tổ chức tăng ca để đáp ứng các đơn hàng.

Tương tự, Nhà máy của Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Q.12) đã nhộn nhịp ngay từ mùng 4 tết âm lịch (ngày 4/2) khi 70% lao động trở lại làm việc.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty hồ hởi cho biết, thường mọi năm sức mua sau Tết chậm đến rằm tháng Giêng nhưng năm nay lại tăng mạnh, với nhiều đơn hàng từ các hệ thống bán lẻ, các DN chuyên sản xuất thực phẩm.

"Mọi năm, việc tìm kiếm lao động luôn là vấn đề đau đầu với DN nhưng năm nay mới mùng 4 tết lao động đã trả lại 70% và đến nay đã đạt 100%. Thêm vào đó, mọi năm sau tết thì chúng tôi còn phải đi gom lại hàng từ các hệ thống bán lẻ do tiêu thụ không hết nhưng năm nay không xảy ra tình trạng này. Tất cả những tín hiệu khả quan đầu năm khiến công ty hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh trong năm 2022", ông Thiện bày tỏ.

Doanh nghiệp hồ hởi với đơn hàng mới ngay sau tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Nhiều DN may mặc "sáng đèn" sản xuất để đáp ứng các đơn hàng... - Ảnh: Quốc Hải

Tại Công ty may mặc Dony, lượng đơn hàng trước Tết tăng đột biến đến 150% so với hồi đầu năm, nên ngày đầu tiên trở lại làm việc đầu năm mới, 100% công nhân của DN này đã tăng tốc, sản xuất liên tục để kịp tiến độ giao hàng.

"Thời điểm trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã ký hợp đồng cho tới giữa năm 2022 và hiện đang thương lượng thêm rất nhiều hợp đồng và có thể sẽ ký hợp đồng để full đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, châu Âu và một phần cho thị trường Nhật cho hết năm 2022" – ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty may mặc Dony, cho biết.

Nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra cho mình là có thể đưa nước mắm đi khắp thế giới. Trong tương lai, đầu bếp và các chuyên gia ẩm thực có thể nói: Khi nấu món gì thì nên có ít nước mắm Việt Nam sẽ ngon hơn", ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods.

Sau khi đăng ký, quảng bá, nước mắm MaMi của Công ty CP Pacific Foods (Q.1, TP.HCM) dần được đón nhận tại thị trường Hoa Kỳ và chính thức lên Top 1 Amazon vào tháng 4/2020.

Đến nay, chai nước mắm Việt không chỉ phân phối trên Amazon mà còn "đấu" với sản phẩm của Thái Lan, Malaysia.

Trung bình một tháng, hai container nước mắm của Pacific Foods được xuất sang thị trường Mỹ với sản lượng gần 50.000 chai.

Không chỉ vậy, sản phẩm còn có mặt ở châu Âu, Canada, Singapore và sẽ tấn công mạnh thị trường Úc, Malaysia, Trung Quốc. 

Đặc biệt, Pacific Foods đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để có chứng nhận "Halal" - giấy chứng nhận sản phẩm đặc thù để có thể bước chân vào thị trường đạo hồi của các quốc gia khu vực Trung Đông.

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods, cho hay, sẽ không ngừng cải tiến nhằm cho ra sản phẩm với mẫu mã đẹp nhất, để có cơ hội xuất hiện trên bàn ăn thế giới!.

Nhưng vẫn không ít áp lực...

Dù thị trường có phần khởi sắc, nhưng vẫn có nhiều áp lực đang đè nặng lên vai nhiều DN, nhất là các DN trong lĩnh vực thực phẩm.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, nhận định, do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các DN vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định. 

Dù có những tín hiệu tích cực ngay đầu năm nhưng do nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, logistics… chi phí đầu vào tăng 10-15% trong khi giá bán không thể điều chỉnh.

"Vì vậy, dù thị trường tốt, kinh doanh tăng trưởng nhưng lợi nhuận của DN sẽ không nhiều như kỳ vọng", ông Dũng nói.

Doanh nghiệp hồ hởi với đơn hàng mới ngay sau tết Nguyên đán - Ảnh 4.

Chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao 10-15% vẫn là nỗi lo lớn của nhiều DN - Ảnh: Quốc Hải

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng lo lắng về tình hình dịch bệnh có thể xảy ra sẽ khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào…

"Mặc dù chúng tôi đã có kinh nghiệm ứng phó, cũng như chuẩn bị các giải pháp nếu chủng Omicron bùng phát, nhưng cũng khá lo lắng nếu đứt gẫy chuỗi cung ứng…" – ông Thiện nói.

Còn theo ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods,  thời gian tới, các DN rất cần những gói tín dụng để vực dậy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất. 

Khi đủ lực xuất khẩu ở nhiều thị trường giúp DN không còn bị lệ thuộc vào 1, 2 thị trường hay bạn hàng. Đồng thời, sản phẩm nội địa có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng trên thế giới.

"Covid-19 là đại dịch của toàn cầu, diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm, chưa biết khi nào sẽ chấm dứt, các DN cần phải theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Đồng thời, cần có kế hoạch, chiến lược mở rộng tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường…" - ông Linh khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem