Doanh nghiệp mong tháo "nút thắt" về vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 17/12/2020 19:14 PM (GMT+7)
“Nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi đúng, góp phần ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 17/12.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết đang là "căn bệnh trầm kha" - Ảnh 1.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX HTX rau quả Thắng Lợi (tại xã Sa Pả, Sa Pa).

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết là một "căn bệnh trầm kha", tình trạng này đã hạn chế năng lực sản xuất, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp.

"Để giải bài toán cho các vấn đề này, theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà" – ông Lộc nói.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp không ít khó khăn mô hình sản xuất nông nghiệp này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư xứng đáng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dòng vốn đầu tư nông nghiệp tại nước ta còn thấp.

Để tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với chính sách cho vay tín chấp ở hạn mức phù hợp; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5 – 1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết đang là "căn bệnh trầm kha" - Ảnh 2.

Diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 17/12, tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tín dụng khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Từ đầu năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bà Giang cũng đưa ra con số về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ (gói 100.000 tỷ đồng), đó là, đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt hơn 67.500 tỷ đồng, dư nợ khoảng 27.000 tỷ đồng với hơn 13.000 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình, chủ yếu là cho vay trung, dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê (Hiền Lê Group) cho biết: Doanh nghiệp của tôi bắt đầu làm nông nghiệp công nghệ cao được 5 năm nay, hiện tại được Tập đoàn Nosu của Nhật giúp đỡ về công nghệ, nhà máy cũng như đến cánh đồng ruộng. Họ cho kỹ sư chuyên gia sang giúp đỡ tận tình. Doanh nghiệp thực hiện chế biến từ đồng ruộng rau củ quả đến bàn ăn, chế biến sâu. Hiện tại xuất khẩu đi 4 nước Nhật, Anh, Đức, Bỉ nhưng chưa được mỹ mãn, mang lại hiệu quả.

"Hiện tại tôi có nhà máy chế biến rau, củ quả tại Hải Dương, 260ha tự sản xuất tại Hải Phòng để lấy nguồn nguyên liệu, đầu vào tự chủ. Chúng tôi giao cho nông dân làm 3 năm nhưng không hiệu quả. Từ đồng ruộng đến nhà máy hoàn toàn làm theo công nghệ cao. Nhà máy được đánh giá đứng thứ 2 Châu Á theo nhận xét của Tập đoàn Nosu của Nhật" - bà Hiền nói.

Tuy nhiên, điều bà Hiền băn khoăn nhất, đó là, bất cập trong tiếp cận nguồn vốn, khoa học. "Về phía ngân hàng, hiện tại chúng tôi không tiếp cận được vì đi ngân hàng nào cũng vậy, Vietinbank nói rằng phải mang máy móc thế chấp thì cũng không cho thế chấp, Vietcombank cũng vậy. Chúng tôi lấy cái sản xuất bền vững đem ra vay để làm nông nghiệp".

Theo bà Hiền, để làm nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp đều mong các cấp, ngành, ngân hàng tháo "nút thắt" về nguồn vốn.

- Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT công ty CP Triso Group cho biết, những rào cản khi phát triển và điều hành doanh nghiệp đó là: về quy hoạch đất đai; khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay; khó khăn về khoa học công nghệ trong sản xuất và rào cản về thị trường tiêu thụ.

- Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc công ty CP xây dựng và thương mại phong cách mới (Queen farm) kiến nghị: Chính phủ, chính quyền các địa phương cần tạo thêm cơ chế khuyến khích, ưu đãi kích cầu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất, đạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường sự liên kết giữa "4 nhà" nhằm tạo được cầu nối cho sản phẩm nông nghiệp tiếp cận với thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem