Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn “rẻ” ở đâu?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 18/07/2018 17:36 PM (GMT+7)
Dù các chính sách hỗ trợ vay vốn đã rộng mở hơn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khá chật vật trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng...
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM phát biểu tại buổi Tọa đàm (Ảnh: Quốc Hải)

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, Dù TP.HCM có nhiều chương trình hỗ trợ ưu đãi Kích cầu (Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015); Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ (Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16/3/2017); khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018, nhưng nhiều DNNVV vẫn khá chật vật trong tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Tạo nhiều cơ chế nhưng...

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, việc tìm nguồn vốn giá “rẻ" cho doanh nghiệp, nhất là các DNNVV chịu nhiều sự tác động nhưng chủ yếu vẫn là 3 cơ chế chính: Tín dụng, lãi suất và tỷ giá.

Trước hết, về cơ chế tín dụng, ông Minh cho rằng giai đoạn 2011 - 2012, tăng trưởng tín dụng được thắt chặt với mục tiêu khoảng 8-10% nhưng giai đoạn từ 2016 - 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đề ra khoảng 18-20%, trong đó năm 2018 này là 17%, đây là mục tiêu khá cao, ngành ngân hàng phải cố gắng nhiều mới đạt được bởi đến cuối tháng 6.2018, tăng trưởng tín dụng của TP.HCM khoảng 7,5% với dư nợ tín dụng khoảng 1.900 nghìn tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nước. Với dư địa này, ngành ngân hàng không thiếu vốn cho tất cả các doanh nghiệp ở TP.HCM từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, NHNN cũng đang tích cực xử lý nợ xấu, tạo thêm nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 5.2018, tỷ lệ nợ xấu TP.HCM chỉ khoảng 3% và nếu loại bỏ ba ngân hàng 0 đồng thì chỉ ở mức 1,7%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Kế đến, về cơ chế lãi suất, ông Minh cho biết từ cuối 2016 đến nay, ngành ngân hàng thực hiện cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận. Cơ chế này đã và đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện tình hình kinh doanh.

Cuối cùng là cơ chế tỷ giá, ông Minh cho hay, cuối tháng 6.2018, thị trường ngoại hối chịu sức ép rất lớn từ quốc tế và buộc phải nâng tỷ giá lên. Theo đánh giá của NHNN, FED tăng lãi suất là nguyên nhân đồng USD có diễn biến phức tạp và tác động lên tỷ giá và thị trường vàng. Từ nay đến cuối năm, FED có thể tăng lãi suất 2 hoặc 3 lần nữa nên tỷ giá USD có thể còn biến động. Tuy nhiên, mặc dù tỷ giá có tăng nhưng ông Minh khẳng định là không căng thẳng.

“Tỷ giá niêm yết với thị trường tự do chênh lệch không lớn, chỉ khoảng 150 đồng. Nhu cầu ngoại tệ của người dân vẫn được đáp ứng đầy đủ, chênh lệnh tỷ giá niêm yết của các NHTM cũng không lớn. Với nguồn cung như hiện nay từ FDI, kiều hối, xuất khẩu, đặc biệt là dự trữ ngoại hối rất lớn lên tới 63,5 tỷ USD cho phép NHNN có đầy đủ các công cụ để có thể can thiệp vào tỷ giá nếu cần thiết”, ông Minh khẳng định.

Có minh bạch thì mới tìm được nguồn vốn “rẻ”

Trước khó khăn của các DNNVV xoay quanh việc tiếp cận nguồn vốn, các chuyên gia cho rằng, một phần cũng là vì các DN chưa chủ động, ngại thủ tục. Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, việc tiếp cận vốn của DNNVV vẫn gặp khó khăn cố hữu là không có tài sản đảm bảo, thời gian thành lập ngắn, rất sợ sự phức tạp của thủ tục và không có báo cáo tài chính chuẩn để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính Vũ Thị Mỹ Linh (Giám đốc Báo cáo Tài chính, thuế, logistics Ho Tram Project Company), để tiếp cận được vốn, DNNVV cần kiểm soát được dòng tiền vì đây là vấn đề cốt lõi để DN tồn tại và phát triển. Hơn nữa dòng tiền có tốt thì các ngân hàng mới sẵn sàng và tin tưởng để có các chính sách ưu tiên vay vốn.

“Tại sao nhiều DNNVV hay thua lỗ? Theo tôi ngoài việc chú trọng phát triển DN, tiếp thị, bán hàng... thì một vấn đề không thể lơ là chính là việc quản lý đường đi của dòng tiền, xem xét kĩ vấn đề tài chính trước khi thực hiện một phương án kinh doanh. Có như vậy thì mới có thể đảm bảo được năng lực tài chính tốt”, bà Linh nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM lại chỉ ra một vấn đề khác khiến các ngân hàng hiện nay “ngại” cho các DNNVV vay vốn, đó là ở các DNNVV hiện vẫn giữ hình thức hai sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế phải đóng. “Thực tế, việc minh bạch một sổ sách kế toán để các ngân hàng có thể hiểu rõ thực trạng hoạt động của DN qua hồ sơ kê khai thuế là rất cần thiết. Đây là một thực trạng các DNNVV cần phải rốt ráo giải quyết để có thể kết nối và gắn bó lâu dài với các ngân hàng thời điểm hiện nay”, ông Minh nói.

Ổn định lãi suất ưu đãi cho vay trong suốt thời gian vay đang là “nút thắt” lớn nhất cần tháo gỡ

Hiện lãi suất cho vay trung và dài hạn thường ổn định trong thời gian từ 1-2 năm đầu, những năm sau đó lãi suất cho vay sẽ có sự thỏa thuận lại giữa ngân hàng và khách hàng vay. Theo đó, thông thường, mức lãi suất cho vay sau ưu đãi thường được lấy dựa trên lãi suất huy động có kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ dao động từ 2-4%. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay của ngân hàng chủ yếu hình thành từ nguồn vốn huy động. Tại TP.HCM, ngành ngân hàng huy động được 2.192.000 tỷ đồng, trong tổng số nguồn vốn huy động này thì huy động vốn có kỳ hạn chỉ chiếm 21%, số còn lại là huy động vốn ngắn hạn. Trong khi đó tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện chỉ còn có 40%.

Do đó, để ổn định lãi suất cho vay trung và dài hạn cho khách hàng vay vốn thì các ngân hàng bắt buộc phải tăng tỷ lệ huy động vốn trung và dài hạn ngày càng nhiều hơn và cơ cấu lại kỳ hạn trong huy động vốn của các ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem