Doanh nghiệp ô tô, viễn thông cũng vào làm nông nghiệp

Thuận Hải - Hứa Phương Thứ ba, ngày 20/12/2016 11:03 AM (GMT+7)
Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” diễn ra cuối tuần qua như tiếp thêm “lửa” cho việc đầu tư vào nông nghiệp, khi có thêm hàng loạt “đại gia” trong ngành công nghiệp, viễn thông khẳng định sẽ đầu tư vào nông nghiệp.
Bình luận 0

Theo đó, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành công nghiệp như ôtô Trường Hải, viễn thông FPT, các ngân hàng thương mại… cũng sẽ đầu tư mạnh tay vào nông nghiệp,

Doanh nghiệp phải đi tiên phong

Hội nghị trên đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo 22 tỉnh, thành và hơn 500 DN cả nước. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, muốn làm nông nghiệp thành công, phải đưa DN về nông thôn, phải thu hút nông dân tham gia vào các chuỗi sản xuất của DN.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: H.P

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, số DN làm nông nghiệp tính tới thời điểm này mới có 4.000, là một con số còn quá ít ỏi. Muốn làm công nghiệp trong nông nghiệp thành công phải kéo DN vào làm nông ngiệp. Thủ tướng kỳ vọng sẽ có nhiều DN làm nông nghiệp được hình thành trong thời gian tới, vì đây chính là yếu tố quan trọng để xây dựng thành công nền nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, Việt Nam muốn hưng thịnh trong giai đoạn hội nhập thì đội ngũ DN phải đi tiên phong. Thời gian qua, những chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được thể hiện bằng hành động, đã hình thành được những DN đầu tàu, cùng khởi động xây dựng một nền công nghiệp nông nghiệp.

“Phải tập trung tái cấu trức nông nghiệp theo hướng lấy DN, doanh nhân và các hợp tác xã làm hạt nhân. Chỉ như vậy mới có thể hình thành được nền nông nghiệp tập trung, hàng hóa nông sản Việt Nam mới đi xa hơn ra thế giới” - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Lần đầu tiên có mặt tại một hội nghị về nông nghiệp, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP ôtô Trường Hải  thẳng thắn chia sẻ: “Các DN thành công trong công nghiệp cũng phải có trách nhiệm dấn thân vào nông nghiệp. Làm nông nghiệp không phải hoàn toàn chỉ từ khâu nuôi trồng mà còn từ vận chuyển và thu hoạch. Đây là công đoạn gây thất thoát và làm chất lượng nông sản xuống cấp hiện nay”.

img

Do đó, ông Dương cho rằng, cần những DN có vốn, có khả năng tổ chức quản trị dấn thân vào nông nghiệp, từ đó tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. “Nhiều người khuyên tôi đừng làm lúa vì sẽ rất “khó ăn”, nhưng đã dấn thân thì phải chọn cái khó để làm. Do đó, tôi quyết định sẽ chọn miền Bắc để làm mô hình chuẩn trong thu hoạch, bảo quản chế biến lúa gạo” - ông Dương thông tin.

Tại hội nghị, DAA Việt Nam đã giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm - “Sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thực phẩm an toàn”. DAA Việt Nam cũng ký kết 2 thỏa thuận hợp tác và khởi động mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc rau an toàn với UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM.

Vốn ở đâu?

Có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (ông Dũng khi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cũng là người nổi tiếng với các chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp- PV) thừa nhận, khó khăn nhất của DN nông nghiệp hiện nay là tiếp cận vốn tín dụng. “DN lớn thì không làm nông nghiệp còn DN nhỏ làm nông nghiệp, thì khi vay vốn lại cực kỳ khó. Có vẻ như các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng chưa có sự tin tưởng vào người làm nông nghiệp”- ông Dũng nhận định.

Để minh chứng vấn đề này, ông Võ Quan Huy – người được xem là “lão nông nghìn tỷ” ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) cho rằng, khi vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, người nông dân chỉ có tài sản có giá trị để “cầm cố” là sổ đỏ. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp đầu tư trên đất không được tính toán làm cơ sở cho vay. “Tôi đầu tư nuôi tôm công nghệ cao với giá trị 7 tỷ đồng/ha, nhưng khi vay vốn, ngân hàng chỉ cho thế chấp đất với trị giá 300 triệu đồng. Hay như đầu tư nhà kính để trồng rau, mất 3 – 4 tỷ đồng nhưng khi cầm cố sổ đỏ cũng chẳng được bao nhiêu” - ông Huy nói.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA Việt Nam) cũng bức xúc rằng, DN làm nông nghiệp hiện nay rất thiệt thòi. Nguyên nhân là nếu DN công nghiệp có thể sử dụng tài sản, sản phẩm làm ra để cầm cố thì ngược lại, DN nông nghiệp không thể làm điều này. Vì vậy, DAA Việt Nam đề xuất mô hình mới về khu Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao để xã hội có cách ứng xử với nông nghiệp như công nghiệp và có thể cạnh tranh toàn cầu.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam phải vào nhóm các nước phát triển nông nghiệp hàng đầu

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương  đã trao đổi, giải đáp trực tiếp các mối quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu, Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh rất quan trọng. Một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; Hai là công nghệ thông tin và ba là du lịch” - Thủ tướng nói và hoan nghênh ý định của DAA về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Việt Nam nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ nền tảng phát triển nông nghiệp, thúc đẩy nhiều ngành khác như công nghiệp chế biến, thực phẩm, công nghiệp sản xuất máy móc và vật tư đầu vào cho nông nghiệp, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. “Phải phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng quyết ngay: Phải có gói tín dụng 50.000 – 60.000 tỷ đồng để phục vụ công việc này với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại. Bởi nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực.

 Cho biết Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, là thành viên WTO, Thủ tướng đồng ý với ý kiến các doanh nghiệp là Việt Nam cần có hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông sản trong nước. Thủ tướng nhất trí với các ý kiến là cần thiết phải sửa Điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và sửa Thông tư 23/2014 của Bộ TNMT về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số chủ trương. Cụ thể là hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng tiềm năng và lợi thế so sánh, phải tính toán lại sử dụng đất đai có hiệu quả nhất để thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa, đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất.

Phương Hứa - Hải Thuận

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem