Doanh nghiệp phải tự biết điểm yếu để khắc phục

Thứ hai, ngày 10/02/2014 12:16 PM (GMT+7)
"Điều tôi thấy thiết yếu lúc này là các bộ ngành cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp ngành mình tham gia thị trường như thế nào để đạt hiệu suất tốt" - TS Tạ Đình Xuyên chia sẻ.
Bình luận 0
Đầu năm Giáp Ngọ 2014, phóng viên NTNN đã trao đổi với TS Tạ Đình Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư) về các chính sách cải cách của Chính phủ cũng như những đổi thay của nền kinh tế trong năm 2014.

TS Tạ Đình Xuyên (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư)
TS Tạ Đình Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư)

Thưa ông, năm 2014, nền kinh tế đang đứng trước những kỳ vọng đổi thay nhưng vẫn không thể nói rằng doanh nghiệp đã bớt khó khăn?

- Năm 2014 nền kinh tế được dự báo là phát triển khá hơn 2013. Kỳ vọng nền kinh tế bắt đầu đi lên từ đáy. Tình hình sản xuất trong nước có biến chuyển, tồn kho giảm. Ngoài ra yếu tố cơ hội nữa là Việt Nam đang được đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ sự chuyển hướng khỏi Trung Quốc của các nhà đầu tư quốc tế…

Tất cả những điều này khiến cho doanh nghiệp có điều kiện sẽ vận hành tốt hơn. Nhưng chúng ta cần nhớ lại rằng, năm 2013 có một con số liên quan tới cộng đồng doanh nghiệp: Hơn 61.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động. Các dư địa khó khăn của nền kinh tế không thể chặn đứng hoàn toàn trong năm 2014 này. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối diện với sức mua thấp, khó khăn khi tiếp cận tín dụng. Hơn nữa bản thân giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu (xăng dầu, phân bón, phôi thép…) trên thị trường thế giới biến động phức tạp, vì vậy, giá các mặt hàng này ở Việt Nam sẽ biến động.

Hiện nay các dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn. Sẽ tiếp tục còn có những thách thức, vì thế, đòi hỏi Chính phủ phải kịp thời có các giải pháp, nếu không các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh được ngay trên sân nhà?

- Chúng ta đã có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng khoảng. Chẳng hạn như các chính sách giảm thuế, miễn thuế. Dư địa chính sách chúng ta đã tới giới hạn rồi. Điều tôi thấy thiết yếu lúc này là các bộ ngành cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp ngành mình tham gia thị trường như thế nào để đạt hiệu suất tốt. Chúng ta không nên nghĩ bơi ở hồ rộng thì dễ nổi, bởi rất dễ mất sức, khó hòa nhập. Chúng ta phải tự biết được điểm yếu của mình để khắc phục.

TS Tạ Đình Xuyên đánh giá: “Các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam chỉ quan tâm tới thị trường Mỹ  cần lượng hàng đặt bao nhiêu mà thôi!”.
TS Tạ Đình Xuyên đánh giá: “Các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam chỉ quan tâm tới thị trường Mỹ cần lượng hàng đặt bao nhiêu mà thôi!”.

Còn riêng về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, quan điểm của tôi là: “Cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm, cái gì tư nhân không muốn làm thì Nhà nước mới làm”.

Vậy theo ông, đâu là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp? Nền kinh tế có điểm sáng nhưng đón bắt điểm sáng cũng không phải là việc dễ?

- Nền kinh tế tạo ra cơ hội, nhưng doanh nghiệp tận dụng được cơ hội hay không lại là chuyện khác. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về mặt thông tin. Từ trước tới nay 90% doanh nghiệp không quan tâm tới thông tin. Họ không mua các thông tin thị trường của các trung tâm dự báo. Do vậy thông tin chúng tôi làm ra doanh nghiệp ít mua và chúng tôi cũng không thể bán được. Ví dụ như các thành viên Hiệp hội Cà phê dường như chỉ quan tâm tới thị trường xuất khẩu cà phê nhân, còn thị trường cà phê vối, chồn… thì sao?

“Cơ quan quản lý cần tỉnh táo nhìn nhận rõ các áp lực mà nền kinh tế phải trả giá, suy tính thiệt hơn để cảnh báo doanh nghiệp. Cái nào trả giá ít nhất thì lựa chọn”.

Tôi được sang Hàn Quốc học tập mô hình sản xuất của Tập đoàn Samsung. Tập đoàn này lập hẳn Viện nghiên cứu Samsung để xác định nhu cầu thị trường và họ làm rất giỏi. Họ nghiên cứu thị trường Việt Nam còn xuất sắc hơn cả doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu về thị trường Việt Nam. Viện nghiên cứu Samsung xác định thị trường Việt Nam đang cần sản phẩm ti vi nào ứng với từng vị trí địa lý, thói quen mua sắm. Chẳng hạn, với ti vi 3D có giá từ 18 – 20 triệu chỉ bán được tại các thành phố lớn. Trong khi đó, thâm niên doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ đã ngót nghét 10 năm. Nhưng tôi chắc chắn chẳng có doanh nghiệp xuất khẩu may mặc Việt Nam nào xác định được, bang nào ở Mỹ thích sản phẩm nào, thiết kế áo ra sao. Các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ quan tâm tới thị trường Mỹ cần lượng hàng đặt bao nhiêu mà thôi.

Theo ông, năm 2014 này các cơ quan quản lý cần quan tâm tới những chính sách gì để hỗ trợ một cách hiệu quả, tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp?

- Tôi xin phân tích một ví dụ: Bộ Công Thương hiện có chính sách khuyến khích xuất khẩu, nhưng chỉ là thưởng cho những doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều hơn. Nhưng tư duy của chúng tôi trong thông tin hỗ trợ xuất khẩu là biến doanh nghiệp chưa xuất khẩu có thể xuất khẩu, xuất khẩu ít thành nhiều, nhiều thành nhiều hơn. Về yêu cầu này Bộ chưa làm được. Ví dụ như bộ ấm chén xuất khẩu vào Trung Đông nên thế nào, màu men, chất liệu ra sao? Hay chúng ta chưa biết tăng giá trị của hạt gạo. Các sản phẩm nông nghiệp muốn hội nhập phải đáp ứng tiêu chuẩn, do vậy rất cần phải có trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp. Phải có cái đó doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia vào chuỗi xuất khẩu mạnh được.

Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện) (Phương Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem