Doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động để thích ứng với dịch bệnh

Thứ ba, ngày 14/12/2021 06:30 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp qua đợt dịch lần này mới thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ là hết sức quan trọng giúp DN vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn.
Bình luận 0

Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp (DN) rơi vào khó khăn chưa từng có tiền lệ, nhưng cũng giúp DN nhận ra rằng, không thể chậm trễ trong tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những nội dung được nêu lên tại buổi Toạ đàm: “Sản xuất an toàn trong đại dịch” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức hôm nay (13/12).

Tái cấu trúc quy trình sản xuất

Theo ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, với các DN sử dụng nhiều lao động luôn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, với những rủi ro về cháy nổ, ngập lụt, an toàn lao động nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Đại dịch Covid-19, đặc biệt là “làn sóng dịch bệnh lần thứ 4” là một tiền lệ chưa từng có khiến DN không kịp trở tay.

Doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động để thích ứng với dịch bệnh - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ở TP.HCM đang thích ứng linh với bối cảnh vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh.

Với DN khi xây dựng nhà máy đã không xây dựng khu nhà ở công nhân, còn vấn đề y tế thì trong 100 DN, có khoảng 30 DN có bộ phận y tế, còn lại những vấn đề liên quan đến bệnh lý đều ra y tế địa phương hoặc bảo hiểm. Chính vì vậy, trong thời gian cao điểm dịch bệnh ở TP.HCM, DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hoá…

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã khiến khối DN có nhiều mất mát, thiệt hại lớn nhưng đây cũng là quá trình sàng lọc khi DN tồn tại là những DN khoẻ mạnh, có khả năng thích ứng linh hoạt. Dịch Covid-19 cũng giúp DN có những nhìn nhận mới hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là tuyển dụng công nhân không chỉ quan tâm đến khả năng lao động mà còn cả ý thức kỷ luật của người lao động; không chỉ là trả lương hàng tháng cao cho người lao động mà còn quan tâm đến quy trình kiểm tra sức khoẻ của họ. Song song đó, các DN cũng nhận ra rằng, tái cấu trúc quy trình sản xuất là rất cấp thiết hiện nay.

“Qua đợt dịch này, các DN đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và bài học rất lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc trực tuyến và trực tiếp. Dù đây là bài học có giá phải trả nhưng cũng đúc kết được nhiều điều”, ông Trần Việt Anh cho biết thêm.

Chủ động, linh hoạt các biện pháp ứng phó

Đợt dịch bệnh lần này mới thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ là hết sức quan trọng giúp DN vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn. Theo bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng Giám đốc Galaxy One, Sovico Group, công nghệ giúp kết nối và hỗ trợ toàn diện trong phòng chống dịch. Trên cơ sở kết nối hạ tầng cũng như các phân tích dữ liệu từ hệ thống, công nghệ giúp DN đưa ra những quyết định nhanh chóng khi xuất hiện F0 tại cơ sở, hỗ trợ cách ly, đưa F0 ra khỏi khu sản xuất an toàn… Đó là đối với giai đoạn phòng dịch, còn trong bối cảnh phục hồi sản xuất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất.

“Nếu chúng ta tái cấu trúc DN cần đặt ra những yêu cầu cho các nhà sản xuất, thiết kế dây chuyền sản xuất vì đây là bài toán chi phí rất lớn cho DN. Khi đưa công nghệ vào hỗ trợ phải đảm bảo chi phí tối thiểu nhất để lãnh đạo đưa ra những quyết định nhanh chóng”, bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh nói.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM thời gian vừa qua, có khoảng 1.000 DN đã được kiểm tra phương án sản xuất an toàn. Mặc dù vẫn còn những ca mắc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như trong khu công nghiệp, khu chế xuất, song tỉ lệ tiếp xúc gần và sau đó trở thành người nhiễm đều không cao, chỉ khoảng 10%. Điều này cho thấy, các biện pháp phòng chống dịch trong DN ở TP.HCM đã đạt được những kết quả nhất định.

Doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động để thích ứng với dịch bệnh - Ảnh 2.

Doanh nghiệp ở TP.HCM quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nơi ở cho công nhân, lao động.

Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế thuộc Bộ Y tế cho rằng, kết quả trên là nhờ sự chủ động, linh hoạt trong các biện pháp ứng phó. “Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các DN ở TP.HCM đã có những định hướng cũng như UBND thành phố có ngay các hướng dẫn kịp thời từ đầu tháng 11, về các phương án phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như DN. Đây là cơ sở để DN có thể chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch”, bà Mai Anh chỉ rõ.

Là địa phương ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch thứ 4, TP.HCM đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để kiểm soát dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới. Sự chung tay góp sức đó cùng với định hướng chiến lược rõ ràng giúp DN tự tin hơn trong phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, không còn bất án trong trường hợp dịch có thể quay trở lại.

Việt Đức - Hoàng Minh (vov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem