Doanh nghiệp thua lỗ vẫn được chào bán chứng khoán?

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 07/11/2018 16:41 PM (GMT+7)
Góp ý dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi), ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán cho rằng doanh nghiệp không đủ điều kiện, thua lỗ nhưng vẫn nên được phép chào bán chứng khoán để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn.
Bình luận 0

img

TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: I.T)

Tại hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức sáng 7.11, các chuyên gia kinh tế, đại diện các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và doanh nghiệp niêm yết đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Mở đầu phần chia sẻ của mình, TS. Cấn Văn Lực đã liên tiếp đặt ra những vấn đề nút thắt, tới nay vẫn chưa thể tháo gỡ trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam thay đổi nhanh và phức tạp.

“Đầu tiên, chúng ta đã tính tới tiến trình tái cơ cấu TTCK Việt Nam hay chưa? Bởi điều này liên quan tới kế hoạch cơ cấu lại hai sàn HNX và HOSE, cơ cấu lại thị trường và các công ty chứng khoán, việc này cần tính toán lại vì câu chuyện này đã được rời sang năm 2020.

Thứ hai, chúng ta đã tính tới vấn đề hội nhập hay chưa? Ví dụ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - PV), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA - PV). Hôm qua tôi cho anh em rà soát lại toàn bộ CPTPP, dự thảo của chúng ta đâu đó đã đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn. Nhưng về độ minh bạch, CPTPP đòi hỏi yêu cầu rất cao. Sau này, khi trình dự thảo Luật ra Quốc hội, chắc chắn sẽ phải tính tới vấn đề này.

Thứ ba, về tài chính số. Giao dịch chứng khoán số trên blockchain, chia sẻ thông tin dữ liệu, chúng ta làm được không? Đó đều là những vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta không tính tới những yếu tố trên thì rồi sẽ phải sớm sửa Luật Chứng khoán trong thời gian tới”, TS. Cấn Văn Lực nói.

img

TS. Vũ Bằng, nguyên chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. (Ảnh: ndh.vn)

Trong khi đó, theo TS. Vũ Bằng, nguyên chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, yêu cầu doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu là quá lớn, gây khó khăn cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Vũ Bằng cho biết, hiện nay chủ trương của Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, do chúng ta chưa đủ điều kiện nên cần có những bước cải cách và tăng cường tính minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

"Ban soạn thảo cần đề cao tính minh bạch thay vì chỉ tập trung vào các điều kiện kiểm soát. Trên thị trường, có trường hợp doanh nghiệp huy động vốn nhưng sử dụng sai mục đích, tuy nhiên đây chỉ là trường hợp số ít. Nếu quy định siết chặt vấn đề này có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp", ông Vũ Bằng cảnh báo.

Ông Vũ Bằng dẫn chứng, Luật mới chỉ quy định về chào bán riêng lẻ trên phạm vi rất hẹp so với thông lệ quốc tế. Luật đang thắt quy định đại chúng và điều kiện phát hành riêng lẻ như vậy doanh nghiệp sẽ “không có cửa” huy động vốn. Nhiều doanh nghiệp muốn chào bán riêng lẻ, nhưng phạm vi chào bán riêng lẻ quá hẹp. Hiện nay, chúng ta đã mở thêm ra một số đối tượng nhưng quy định vẫn khác xa với thông lệ quốc tế. Chào bán riêng lẻ theo quy định được chia ra 3 nhóm nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán đủ điều kiện gồm các công ty chứng khoán chuyên nghiệp (CTCK, ngân hàng, quỹ đầu tư); nhà đầu tư chứng khoán đủ tiêu chuẩn tự chịu trách nhiệm (người có giấy phép hành nghề nhân viên) và doanh nghiệp có vốn 1.000 tỷ đồng.

Tại Singapore, luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp có vốn 10 triệu USD Singapore, như vậy quy định 1.000 tỷ đồng tại Việt Nam là quá cao. Đối với cá nhân, quy định hiện nay đang khá rườm rà, trong khi việc kiểm soát tài sản rất đơn giản thông qua sổ đỏ, chứng khoán và sổ tiết kiệm khi đến mở tài khoản chứng khoán.

“Doanh nghiệp không đủ điều kiện, thua lỗ nhưng vẫn nên được phép chào bán chứng khoán để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn”, ông Vũ Bằng đề xuất.

Bổ sung cho ý kiến của TS. Vũ Bằng, TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng một trường hợp xảy ra trong thực tế đối với một doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng ta yêu cầu doanh nghiệp hoạt động phải có lãi. Nhưng nhiều doanh nghiệp startup có thể sẽ lỗ trong 2, 3 năm đầu hoạt động, nhưng tiềm năng cực kỳ lớn. Ví dụ VinFast, trong 5 - 10 năm đầu họ có thể chịu lỗ, nhưng về lâu dài, với tiềm năng lớn, họ có thể có lãi. Không cho phép họ huy động vốn, chào bán ra công chúng thì làm như thế nào?”, ông Lực đặt câu hỏi.

Đối với yêu cầu doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo khảo sát, số doanh nghiệp quy mô vốn trên 500 tỷ đồng chiếm 1,1%, từ 200 - 500 tỷ đồng chiếm 1,2%, dưới 200 tỷ đồng chiếm 97,7%.

“Như vậy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Đây là đối tượng vẫn gặp vướng mắc về chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn. Vậy nên, quy định vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu là quá cao và thiếu cơ sở”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem