Doanh nghiệp thủy sản sắp hết ngưỡng chịu đựng, đề xuất tiêm vaccine gấp để huy động công nhân đi làm

Hải Đăng Thứ hai, ngày 20/09/2021 07:01 AM (GMT+7)
Theo tiến độ tiêm vaccine và sự ưu tiên phù hợp của lãnh đạo các tỉnh, đã có sự khác nhau rõ rệt về tỷ lệ công nhân chế biến thủy sản được tiêm chủng mũi 1 giữa các tỉnh tại khu vực kể trên.
Bình luận 0

Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các tỉnh cần xác định mục tiêu ưu tiên cho lực lượng lao động để tái khởi động nền kinh tế thế mạnh của từng địa phương bằng cách ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đang làm việc tại các nhà máy, khu chế xuất và cả chuỗi cung ứng liên quan như trại giống, vùng nuôi, cảng cá, ngư dân…

Tỷ lệ tiêm vaccine thấp 

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, tháng 8/2021 Bộ Y tế đã có văn bản quy định đối tượng "lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (doanh nghiệp, các nhà đầu tư, khu công nghiệp...)" vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine chỉ sau y tế tuyến đầu, người già, người có bệnh nền, nhân viên các sứ quán.

Theo tiến độ tiêm vaccine và sự ưu tiên phù hợp của lãnh đạo các tỉnh, đã có sự khác nhau rõ rệt về tỷ lệ công nhân chế biến thủy sản được tiêm chủng mũi 1 giữa các tỉnh tại khu vực kể trên. 

Có tỉnh mới sắp xếp tiêm được cho dưới 10% công nhân, có tỉnh 20-40%, một số tỉnh quan tâm đã tiêm được trên 80%, và cũng có tỉnh thì phần lớn công nhân chưa được tiêm mũi 1 tính đến 14/9/2021.

"Việc này không chỉ tác động đến tâm lý các doanh nghiệp, mà còn đặc biệt ảnh hưởng đến phương án sản xuất và khả năng phục hồi sản xuất trước ngưỡng có thể chịu đựng là tối đa trong tháng 9/2021" - ông Nam nhận định.

Sớm tiêm phủ vaccine cho lao động ngành thủy  sản - Ảnh 1.

Công nhân chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ở Đồng Tháp. Ảnh: Văn Đức

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề nghị các địa phương cho đối tượng đã hết bệnh và tiêm vaccine ít nhất 1 mũi được tham gia phục hồi sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ", các tỉnh cần hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất tương thích với năng lực của nhà máy theo quy định giãn cách của Bộ Y tế.

Theo kết quả khảo sát của VASEP, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung Bộ vào đến các tỉnh ĐBSCL mới đạt trung bình 30-35% cho mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%. 

Một số địa phương có tỷ lệ tiêm cho công nhân chế biến thủy sản cao và từng bước kiểm soát được dịch bệnh (như Cà Mau, Sóc Trăng…), ngoài "3 tại chỗ" đã bắt đầu nhận và xem xét phương án sản xuất "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương án 4 xanh (nhà máy xanh, gia đình xanh, di chuyển xanh và y tế tại chỗ xanh) gửi lên từ doanh nghiệp, để từng bước có thể trở lại sản xuất.

Trong điều kiện mới, khi một số tỉnh trọng điểm về sản xuất, chế biến thủy sản khác tỷ lệ tiêm mũi 1 còn rất ít và chưa phù hợp với mức độ bùng phát dịch tại địa phương, như Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Bình Thuận…

VASEP kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt hỗ trợ tác động với một số địa phương sớm hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản và lao động của chuỗi sản xuất thủy sản tại các địa phương. 

"Các địa phương nên nhanh chóng tiêm vaccine cho những ai chưa được tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm 1 mũi. Các tỉnh cần xác định mục tiêu ưu tiên cho lực lượng lao động để tái khởi động nền kinh tế thế mạnh của từng địa phương bằng cách ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đang làm việc tại các nhà máy, khu chế xuất và cả chuỗi cung ứng liên quan như trại giống, vùng nuôi, cảng cá, ngư dân…" - ông Nam nhấn mạnh.

Lập các vùng đệm xanh phục vụ sản xuất

Theo ông Nam, trải qua hơn 1 tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động "3 tại chỗ", kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản: Giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2020, và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực, đạt tổng cộng 588 triệu USD.

Trong đó, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu sang tất cả các thị trường trong tháng 8 vừa qua đều giảm từ 16 - 50% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm mạnh 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%)...

Về thị trường cuối năm, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định: Thị trường sắp tới sẽ tiếp tục biến động do dịch Covid-19 đang bùng phát lại tại một số quốc gia nhưng sẽ dần bình ổn vào những tháng cuối năm. Nhu cầu các thị trường tăng cao, đặc biệt tại các thị trường châu Âu, Mỹ.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết: Công ty đang đẩy nhanh thiết lập các vùng đệm xanh phục vụ sản xuất. 

Tới đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, công ty mong muốn được tiêm vaccine cho 100% công nhân và không còn bị khống chế 50% số nhân lực làm việc tại nhà máy mà sẽ được tăng lên tùy vào điều kiện đáp ứng chuẩn an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục lại hoàn toàn năng lực, công suất chế biến. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem