Một doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua lượng lớn sầu riêng, khoai lang tím, cá basa, cá hố...

Minh Huệ Thứ tư, ngày 08/03/2023 16:26 PM (GMT+7)
Năm 2023, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng (Quảng Tây, Trung Quốc) dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác.
Bình luận 0

Doanh nghiệp Trung Quốc cần mua lượng lớn sầu riêng, khoai lang tím, thủy sản

Ngày 8/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NNPTNT) tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)". Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết rất vinh dự nhận được lời mời của Bộ NNPTNT để tham dự diễn đàn.

Một doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua lượng lớn sầu riêng, khoai lang tím, cá basa, cá hố... - Ảnh 1.

Ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng.

"Tháng 3 mùa xuân, trời ấm hoa nở, với việc dịch Covid-19 dần bị đẩy lùi, cánh cổng thương mại Trung Quốc được mở ra, tôi tin rằng nông nghiệp, thủy sản Trung – Việt sẽ phát triển rực rỡ. Do đó, tôi vô cùng háo hức, vô cùng tự hào, cùng bàn về câu chuyện phát triển với các vị lãnh đạo, các vị khách quý, trên mảnh đất Việt Nam tràn đầy sức sống", ông Tô Vạn Quang mở đầu tham luận.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tô Vạn Quang cho biết, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng có trụ sở ở Khâm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Thành phố Khâm Châu có khu thương mại tự do, khu ưu đãi thuế quan và nền tảng giao dịch, thanh toán mở cấp quốc gia. Khâm Châu cũng là thành phố hướng biển mới ở tây nam Trung Quốc, là điểm giao thông quan trọng có đường sắt kết hợp đường thủy nối Trung Quốc với châu Âu. 

Công ty đưa ra mô hình hoạt động "thương mại Trung Việt", chủ yếu phục vụ hoạt động đầu tư, thương mại hai nước, phục vụ cho cả hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân, trên cơ sở các cơ chế của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện tại, công ty có văn phòng tại nhiều thành phố từ Quảng Tây đến Trùng Khánh, Thành Đô, Thượng Hải. "Chúng tôi cũng có văn phòng tại Hà Nội, Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai. Chiến lược của công ty sắp tới sẽ là lập các văn phòng phủ khắp các thành phố ở Trung Quốc và Việt Nam. Thúc đẩy toàn diện hợp tác thương mại và đầu tư hai nước, thiết lập nên sàn thương mại nghìn tỷ NDT" - ông Quang cho hay.

Cũng theo lời ông Tô Vạn Quang, trong năm 2023, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, đồng thời mong muốn ký hợp đồng mua cá basa, cá hố và các loại hải sản khác.

"Chúng tôi rất mong kết nối với các vị đối tác tham dự online hoặc trực tiếp ở diễn đàn", ông Tô Vạn Quang nói.

Cũng tại diễn đàn, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng chia sẻ tin vui. Hiện tại, với sự giúp đỡ to lớn từ các doanh nghiệp quốc doanh tầm cỡ ở Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng.

Chính quyền TP. Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn một cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.

Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua-bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm. 

Một doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua lượng lớn sầu riêng, khoai lang tím, cá basa, cá hố... - Ảnh 3.

Sản phẩm cá tra của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc qua 24 cảng/cửa khẩu của nước này. Ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu. TTXVN

Chia sẻ tại diễn đàn sáng nay, ông Hoàng Vệ - Phó Cục trưởng Cục quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng cho biết: Sắp tới, thành phố Đông Hưng sẽ thực hiện chính sách "Vành đai – Con đường", trở thành điểm xuất phát từ vùng biển phía tây của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu nông sản, tối ưu các công tác ở cửa khẩu, xây dựng môi trường kinh doanh tốt giữa thành phố Đông Hưng và thành phố Móng Cái. Chúng tôi sẽ phối hợp phía Việt Nam xây dựng "Cửa khẩu trí tuệ" và "Hai thành phố trí tuệ".

Năm 2023, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ sở kiểm dịch động vật, thực vật, động vật thủy sinh, thủy hải sản tại cửa khẩu. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với TP. Móng Cái xây dựng Phòng Kiểm nghiệm tại Km3+4. Các tiêu chuẩn này sẽ do chi nhánh Quảng Tây của Tập đoàn Kiểm nghiệm Trung Quốc (CCICGX) xây dựng.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đạt trên 5,6 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20% trong kim ngạch xuất khẩu. 2 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đạt 663 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; Kim ngạch nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 10,4 tỷ USD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem