Doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến Việt Nam vì chiến tranh thương mại
Không chỉ các nhà đầu tư ngoại, nhiều doanh nghiệp nội địa Trung Quốc cũng rời sản xuất sang Việt Nam vì lo ngại căng thẳng thương mại.
Theo dữ liệu tổng hợp bởi Nikkei, 33 doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc đã thông báo về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài kể từ tháng 6 năm ngoái.
Giống như các nhà sản xuất ngoại quốc, các đợt thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc cùng với tiền lương và các chi phí khác gia tăng đang khiến nhiều doanh nghiệp tại đây rời đi.
Gần 70% trong số các doanh nghiệp trên lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong khi số còn lại chọn Cam-pu-chia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
Theo thông báo của Jinhua Chunguang Rubber & Plastic Technology Co., Ltd gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải tháng trước, doanh nghiệp này sẽ đầu tư 4,35 triệu USD vào Việt Nam để thành lập cơ sở sản xuất, bổ sung vào 3 nhà máy hiện có đặt ở Malaysia và Trung Quốc.
Dự kiến nhà máy tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 380 mét vuông và đi vào sản xuất từ tháng 3 năm sau.
Jinhua Chunguang cho biết việc đầu tư trên nhằm tiếp tục khám phá thị trường quốc tế, tăng cường khả năng ứng phó với các thay đổi của môi trường quốc tế, tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng phục vụ khách hàng cũng như phù hợp với chiến lược “Đi ra” (go out) của Trung Quốc.
Jinhua Chunguang là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất vòi hút sử dụng trong các máy hút bụi. Đây là sản phẩm nằm trong danh sách bị gia tăng thuế quan khi Mỹ quyết định áp thuế cao hơn với 200 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.
Huafu Fashion – nhà sản xuất len cuộn cuối năm ngoái cho biết đã đầu tư 2,5 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 362 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhằm tiếp cận tới các nguồn nguyên liệu rẻ hơn, giảm chi phí lao động cũng như tránh được hàng rào thuế quan.
Nhà máy này được đặt lại tỉnh Long An với công suất khoảng 500.000 cuộn mỗi năm, theo thông tin doanh nghiệp gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
Theo số liệu từ Tổ chức lao động quốc tế (ILO), trong vòng 5 năm tính đến 2017, mức lương của Trung Quốc đã tăng 44%, lớn hơn nhiều con số 30% của Việt Nam, 28% của Malaysia và 11% của Mexico trong cùng thời kỳ.
Theo Nikkei, các nhà phân tích cho biết, chi phí tăng đã kéo các doanh nghiệp di chuyển ra nước ngoài ngay cả trước cuộc chiến thương mại.
Kể từ năm 2001, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược "đi ra" nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nội đầu tư ra nước ngoài nhưng sức hút từ bản thân thị trường này quá lớn.
Thời gian qua, không ít nhà sản xuất lớn của thế giới đã có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc và đổ đầu tư vào Việt Nam vì chiến tranh thương mại.
Hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản và thế giới Sharp cách đây không lâu thông báo sẽ xây nhà máy tại Việt Nam và thành lập công ty con 100% sở hữu Sharp Manufacturing Vietnam để quản lý hoạt động của nhà máy này.
Công ty trên dự kiến được thành lập tháng 2/2020 với mức vốn 25 triệu USD, tọa lạc tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Sharp đã loại bỏ kế hoạch sản xuất màn hình LCD bán cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc và thay vào đó, chuyển sang Việt Nam nhằm tránh thuế quan gia tăng trong chiến tranh thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh.
Apple được cho là nhiều khả năng sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam trong kế hoạch đa dạng hóa sản xuất sản phẩm điện tử tiêu dùng ra ngoài Trung Quốc.
Dự kiến, quá trình sản xuất đối với thế hệ AirPods mới nhất sẽ được thử nghiệm tại nhà máy nằm ở miền Bắc Việt Nam vào mùa hè này.