Doanh nghiệp xã hội: Cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề xã hội

Thứ năm, ngày 13/10/2011 16:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại lễ công bố và giao lưu với doanh nhân xã hội năm 2011 diễn ra cuối tháng 9 vừa qua đã có những ghi nhận bước đầu về vai trò và vị trí của doanh nhân xã hội và doanh nghiệp xã hội (DNXH).
Bình luận 0

Khái niệm DNXH được hiểu là DN lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội, môi trường và mục tiêu kinh tế.

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này đang có xu hướng phát triển, với những cái tên được biết đến như KOTO, Sao Mai, Nghị lực sống, TOHE…

img
Người khiếm thính học làm bánh tại DNXH Donkey Bakery.

Nếu KOTO International là trung tâm đào tạo nghề nhà hàng khách sạn cho trẻ em lang thang đường phố, thì Sao Mai được biết đến là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tư vấn phát hiện sớm, can thiệp sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) năm 2011 cho thấy, các DNXH đã tạo việc làm cho 9.000 người, trong đó có tới 2.462 người sống trong hoàn cảnh đặc biệt (HIV, khuyết tật, cai nghiện trở về…); tác động gần 400.000 người sống trong cộng đồng thông qua các chương trình phát triển giảm nghèo, nâng cao nhận thức và giáo dục cho cộng đồng…

Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Cục phó Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), mô hình DNXH như KOTO, Sao Mai... với những đóng góp về mặt xã hội trong thời gian qua quả thật rất ấn tượng và cần nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài khó khăn về kinh phí hoạt động, các DNXH còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và tuyển dụng và đào tạo lao động khi đa phần họ là những người có hoàn cảnh đặc biệt. Khi mới thành lập, HeartLink vừa kinh doanh vừa hoạt động xã hội. Họ đã nhận 7 người khuyết tật vào làm việc.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Heart Link cho biết: “Tất cả người khuyết tật khi vào làm, Công ty đều phải đào tạo lại theo lối cầm tay chỉ việc mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, Công ty còn gặp phải sự e ngại của khách hàng vì họ không tin vào khả năng của Công ty khi có nhiều lao động là người khuyết tật. Điều kiện cơ sở vật chất cũng là một trở ngại lớn khi sử dụng đối tượng lao động này”.

Bà Trương Thanh Thanh – Chủ tịch HĐQT CSIP khẳng định: “Muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững loại hình DNXH thì cần nhiều bên liên quan, đó là sự hỗ trợ của Nhà nước, các chính sách, kinh nghiệm từ các quỹ đã làm trên thế giới…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem