Doanh nghiệp xây dựng làm gì khi giá thép tăng phi mã?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 20/05/2021 18:00 PM (GMT+7)
Giá vật liệu xây dựng (VLXD) - đặc biệt là giá sắt thép trong nước - đã tăng 45% - 50%, khiến nhiều người dân xây nhà gặp khó khăn, vì đội vốn; nhiều nhà thầu - doanh nghiệp xây dựng buộc phải hủy hoặc “xin” đàm phán lại hợp đồng, để điều chỉnh giá cả, nếu không muốn thua lỗ nặng…
Bình luận 0

Ký trước hợp đồng, cầm chắc… thua lỗ

Ông Trần Trung - phó tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC – một doanh nghiệp chuyên về xây dựng ở TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết, thời gian qua khi giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, đặc biệt là giá thép tăng từ 45-50%, DIC buộc phải từ chối nhiều hợp đồng xây dựng, thậm chí phải xin hủy một số hợp đồng đã… lỡ ký, chỉ dám nhận những hợp đồng liên quan đến nội thất vì giá cả biến động ít.

"Thông thường, với các công trình nhỏ thì nhà thầu lời khoảng 15%, còn công trình lớn thì khoảng 10%, nếu nhận các hợp đồng xây dựng thời điểm này thì hòa vốn là may, còn lại khả năng lỗ vốn rất lớn" - ông Trung chia sẻ.

Doanh nghiệp xây dựng làm gì khi giá thép, vật liệu xây dựng tăng phi mã? - Ảnh 1.

Giá thép xây dựng đang tăng mạnh lên tới 45%-50% gây khó khăn cho ngành xây dựng (Ảnh: IT)

Nhận định về thị trường xây dựng các công trình dân dụng (người dân làm nhà, sửa nhà…), từ đầu năm đến nay, ông Trung cho hay, thị trường đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

"Trong bối cảnh giá VLXD, đặc biệt là giá sắt – thép tăng đột biến như hiện nay, đa phần người dân sẽ chờ vài tháng nữa, đến thời điểm cuối năm mới tiến hành sửa chữa, để nghe ngóng tình hình xem thế nào, vì nếu làm thời điểm này chắc chắn sẽ đội vốn lên rất nhiều so với dự toán"- ông Trung nói thêm.

Ông Ngô Quang Phúc - CEO Phú Đông Group, cũng cho biết: Thời gian qua, giá VLXD tăng mạnh, đặc biệt giá sắt – thép tăng tới 45%-50% thì đa số các doanh nghiệp phải thỏa thuận lại đơn giá với chủ đầu tư.

"Với Phú Đông Group, khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, chúng tôi cũng phải thỏa thuận với họ là tăng ít thì mình chịu, còn tăng nhiều thì phải chia sẻ với nhau" - ông Phúc cho hay.

Cũng theo dự báo của CEO Phú Đông Group, với tình hình giá VLXD, đặc biệt là sắt - thép tăng mạnh như hiện tại thì thời gian tới giá bất động sản có thể tăng khoảng 8% vì giá nguyên vật liệu chiếm khá nhiều trong chi phí xây dựng.

Theo chia sẻ của một số nhà thầu xây dựng khác, với nhà dân dụng thì thép cây tròn chiếm khoảng 10 - 20% giá trị. Với nhà xưởng sắt thép chiếm tới 25 - 30%. Như vậy chỉ riêng thép thôi, nếu cứ theo hợp đồng đã ký mà thi công, thì nhà thầu đã "cầm chắc" khoản lỗ khoảng 15% - 20% so với giá trúng thầu.

Giá thép sẽ tiếp tục tăng, doanh nghiệp thép tăng mạnh hàng tồn kho

Hôm qua 19/5, một số doanh nghiệp ngành thép tiếp tục thông báo tăng giá thép xây dựng. Chẳng hạn, Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên quyết định tăng giá thép xây dựng thêm 300.000 đồng/tấn (phạm vi toàn quốc). Nguyên nhân tăng giá được DN này thông báo là do giá phôi thép, nguyên liệu đầu vào tăng…

Trên thực tế, ghi nhận tại thị trường phía Nam hôm nay, giá thép xây dựng đã tăng mạnh với hầu hết các thương hiệu.

Cụ thể, thương hiệu Hòa Phát thông báo tăng giá với thép cuộn CB240 lên mức 18.010 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 thì giữ nguyên ở mức 17.560 đồng/kg. Trong khi đó, thương hiệu thép Miền Nam cũng thông báo sản phẩm thép cuộn CB240 ở mức giá 17.960 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 là 17.810 đồng/kg.

Riêng thương hiệu thép Pomina thì có giá "mềm" hơn, với thép cuộn CB240 có giá 17.510 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 đang ở mức 17.610 đồng/kg.

Doanh nghiệp xây dựng làm gì khi giá thép, vật liệu xây dựng tăng phi mã? - Ảnh 3.

Thông báo tăng giá thép của một DN ngành thép ngày hôm qua 19/5

Trước đà đăng mạnh của giá thép, nhiều DN ngành thép được dự báo sẽ có lợi nhuận khả quan trong quý 2/2021, nhờ lượng hàng tồn kho tăng mạnh đến cuối quý 1. Có thể kể đến như, tại Nam Kim (NKG), giá trị khoản mục tồn kho thời điểm cuối quý I/2021 tăng 47,6% so với hồi đầu năm, lên 3.500,3 tỷ đồng (hồi đầu năm 2.371,1 tỷ đồng). Trong đó, tập trung chủ yếu ở khoản mục nguyên liệu và vật liệu ở mức gần 1.009 tỷ đồng, thành phẩm hơn 1.768 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2021 của NKG cho thấy, khoản mục nguyên liệu - vật liệu tăng thêm 754,8 tỷ đồng; hàng đang đi đường tăng 271,7 tỷ đồng so với quý trước. Như vậy, có thể thấy NKG đang đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu, vật liệu để phòng trường hợp giá thép tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tương tự, tại Hoa Sen, tính hết quý 1/2021, tồn kho của DN này lên tới 9.001,7 tỷ đồng, tăng 63% so với hồi đầu năm (5.523,8 tỷ đồng).

Riêng "ông lớn" Hòa Phát hầu như không tăng giá trị hàng tồn kho so với hồi đầu năm, nhưng giá trị hàng tồn kho ở DN này lại khá "khủng", lên tới 26.286,8 tỷ đồng (tính hết quý 1/2021). Điều này không quá ngạc nhiên, bởi vì khi nhu cầu và giá thép được dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, việc gia tăng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại thép là hoàn toàn hợp lý.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), không chỉ tại Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, giá thép tăng vì nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép thiếu. Giá phôi, thép phế liệu, điện cực graphite cho đến than mỡ luyện coke, quặng sắt 62%... đều tăng giá rất mạnh kể từ cuối năm 2020.

Mặt khác, nhu cầu nội địa Trung Quốc phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng sản lượng sản xuất thép của quốc gia sử dụng thép nhiều nhất này lại giảm do chính sách kiểm soát ô nhiễm.

Chưa kể, thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 tại Trung Quốc càng đẩy giá thép trên các sàn thương mại hàng hóa càng "hot" hơn.

Vì vậy, dự báo giá thép thế giới sẽ khó "kìm" lại được cho đến hết quý 3/2021, và kéo theo đó là giá thép ở Việt Nam cũng… "nước lên thuyền lên".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem