Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải học cách bơi ra khỏi “bể cá cảnh”

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 02/11/2018 07:00 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải học cách bơi ra khỏi “bể cá cảnh” vốn quen được bảo bọc an toàn để vươn ra biển lớn. Nghị định (NĐ) 107 về xuất khẩu gạo sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp trưởng thành hơn.
Bình luận 0

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ mong muốn như thế tại Hội nghị phổ biến NĐ 107 tổ chức ở TP.HCM, ngày 1.11, sau khi có không ít ưu tư, vướng mắc từ cộng đồng kinh doanh xuất khẩu gạo.

img

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh mong muốn doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải học cách bơi ra khỏi “bể cá cảnh”. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), VFA có nhiệm vụ tổ chức thực hiện đăng ký hợp đồng của các thương nhân xuất khẩu gạo. Sau đó, VFA báo cáo định kỳ và đột xuất cho Bộ Công Thương.

Nhưng khi áp dụng NĐ 107, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu không còn nữa. Đây là một trở ngại lớn trong việc chủ động nguồn thông tin phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo, nhất là khi thị trường có biến động cần theo dõi kịp thời.

NĐ 107 ra đời cũng là thách thức khi có thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA lo lắng: “Việc canh tranh nếu không lành mạnh thì sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường gạo cũng như uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam”.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo bày tỏ lo ngại quanh nghị định mới là dễ hiểu. Sau 1 tháng có hiệu lực, thắc mắc của doanh nghiệp tập trung quanh 3 vấn đề chính: NĐ 107 có tạo ra việc phân biệt đối xử; lo ngại tình trạng kinh doanh hỗn tạp và lo ngại thiếu thông tin điều hành.

img

Nhiều doanh nghiệp lo ngại môi trường kinh doanh sẽ hỗn lộn sau NĐ 107.

Nghị định mới quy định doanh nghiệp chỉ cần đi thuê kho, cơ sở chế biến là có thể tham gia xuất khẩu gạo. Việc này khiến các doanh nghiệp đã bỏ vốn lớn đầu tư cơ sở ban đầu, lẫn vùng nguyên liệu (theo NĐ 109 mới đủ điều kiện tham gia xuất khẩu) cảm thấy bị ấm ức.

Thứ trưởng Khánh cho rằng, một khi doanh nghiệp đã quyết định gắn bó với sự nghiệp xuất khẩu gạo, những đầu tư này trước sau gì cũng phải làm. Doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực của mình với thị trường thế giới từ lô hàng đến chất lượng hàng. Những đầu tư theo NĐ 109 không hề phí phạm vì đó là sự đầu tư cho uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

“Bối cảnh kinh doanh tự do sẽ đưa đến đào thải. Trật tự sẽ lại được thiết lập thông qua quy luật tự nhiên của thị trường. Trật tự được tạo ra bằng mệnh lệnh hành chính hay bằng hành lang an toàn nhân tạo không thể tốt bằng trật tự do chọn lọc tự nhiên”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Về lo ngại thị trường kinh doanh sẽ lại bát nháo như thời trước NĐ 109 khi có nhiều doanh nghiệp nhỏ cùng tham gia, ông Khánh đề nghị những doanh nghiệp muốn làm ăn chân chính nên chọn góc nhìn tích cực từ mớ hỗn độn đó để thể hiện bản lĩnh, uy tín của mình.

“Bối cảnh kinh doanh tự do sẽ đưa đến đào thải. Trật tự sẽ lại được thiết lập thông qua quy luật tự nhiên của thị trường. Trật tự được tạo ra bằng mệnh lệnh hành chính hay bằng hành lang an toàn nhân tạo không thể tốt bằng trật tự do chọn lọc tự nhiên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đó, các doanh nghiệp sẽ tìm đến nhau trong nhóm lớn, đảm bảo chuỗi liên kết chặc chẽ sẽ không sợ các đối tượng kinh doanh mang tính chụp giật.

img

Nghị định 107 sẽ tạo động lực để doanh nghiệp xuất khẩu gạo tự tin bước ra ngoài bằng nội lực. Ảnh: Nguyên Vỹ

Về mối lo ngại lo ngại thiếu thông tin điều hành, đại diện Bộ Công Thương dẫn dắt các doanh nghiệp quay trở lại vạch xuất phát. Giai đoạn trước, doanh nghiệp có thể biết được tình hình hiện đã xuất được bao nhiêu, còn tồn kho bao nhiêu. Sau những báo cáo và cảnh bảo, mọi người cảm thấy rất yên ổn rồi tự khen nhau.

“Trong môi trường kinh doanh trật tự và an toàn mang tính nhân tạo đó, ai cũng cảm thấy an tâm vì được bảo bọc, không muốn rời khỏi “bể cá cảnh” được chăm sóc hàng ngày để tự tin bước ra ngoài bằng nội lực”, Thứ trưởng Khánh kể.

Nhưng thực chất việc kinh doanh không hề dễ dàng như thế. Không có nước nào yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo hợp đồng cho nhà nước cả. Các doanh nghiệp nước ngoài phải kinh doanh theo kiểu “bắn chim trong buồng tối”. Tức là tất cả các quyết định đều dựa vào cảm giác và năng lực tự phán đoán thị trường của chính mình.

“Doanh nghiệp trong nước cũng phải học cách làm như thế mới lớn lên được. Đừng mong sống mãi trong môi trường an toàn bằng cơ chế nữa. Tất nhiên, những thông tin, số liệu để nắm bắt cơ cấu hạt gạo xuất khẩu, phục vụ công tác điều hành vĩ mô là cần thiết”, Thứ trưởng chia sẻ.

img

Bộ Công thương đề ra yêu cầu doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh và tiêu thụ hết lúa gạo của nông dân. Ảnh: Thuận Hải

Trong môi trường cạnh tranh mới, Bộ Công Thương đặt ra 3 yêu cầu với doanh nghiệp: Không được phép để lúa gạo nông dân làm ra bị thừa mứa, không tiêu thụ được; Không để giá cả biến động làm ảnh hưởng đến chỉ số CPI; Không được cạnh tranh phá giá lẫn nhau, tranh mua tranh bán. Ở chiều ngược lại, xã hội và truyền thông cũng tăng cường giám sát công tác điều hành của Bộ Công Thương đến các sở ngành cấp địa phương.

“Mô hình quản lý phải thay đổi trong yêu cầu mục tiêu không đổi là bài toán khó mà chính quyền lẫn doanh nghiệp phải nỗ lực đồng hành để vượt khó”, Thứ trưởng Khánh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem