Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bắt đầu ‘ngấm đòn’ từ căng thẳng Nga - Ukraine

Thứ sáu, ngày 11/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã bị ngừng trệ đơn hàng, nguồn cung nguyên vật liệu, biện pháp thanh toán… từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Bình luận 0
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bắt đầu ‘ngấm đòn’ từ căng thẳng Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN.

Tác động không nhỏ

Tập đoàn Phúc Sinh, trung bình 1 năm đang xuất khẩu khoảng 30 triệu USD sang Nga, gồm hạt tiêu, cà phê, điều, dừa, đều là những sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam. Trong số này, doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp khoảng 10%, còn lại 90% xuất khẩu qua các văn phòng, công ty lớn của Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Đức... Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng Nga và Ukraine, hầu hết các hoạt động xuất nhập khẩu đều bị dừng lại.

Để giảm thiệt hại với các đơn hàng chưa giao xong, công ty đã lập tức kéo về, dỡ hàng tại cảng chuyển tải. Với những đơn hàng đã ký kết thì công ty thương lượng với đối tác để tìm hướng giải quyết.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp gỗ đã bắt đầu chịu tác động từ ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Đại diện Công ty gỗ An Lạc cho biết, từ khi xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine, các đơn hàng từ Ukraine không thể chuyển về Việt Nam được nữa. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng vì nguồn cung có hạn, giá bị đẩy lên cao khiến chi phí sản xuất tăng lên. Lý do là bởi EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn từ nhiều nước trên thế giới, với khoảng gần 2/3 lượng nhập khẩu là từ Hoa Kỳ và các nước EU. Phần lớn lượng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và EU được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu. Đến nay, Nga chưa phải phải là thị trường quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên, Nga lại là nguồn cung gỗ nguyên liệu khổng lồ trên thế giới; đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của nguồn cung này.

"Lượng cung gỗ nguyên liệu từ Nga nếu bị co hẹp hoặc thậm chí mất đi trong tương lai sẽ làm thiếu hụt cung gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu, từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm Việt Nam, đẩy giá gỗ nhập khẩu tăng cao”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends phân tích thêm, cuộc chiến Nga - Ukraine chứa đựng những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn như: các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp thủy sản. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù kim ngạch giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn nhưng năm vừa qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang mở đường đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Nga. Chính vì thế hiện tại doanh nghiệp đang đứng trước lo lắng khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Điều các doanh nghiệp lo lắng hiện nay là không chỉ ở 2 thị trường trên mà xuất khẩu đi các nước châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng. Chẳng hạn với mặt hàng gạo, dù lượng xuất khẩu qua EU ổn định tuy nhiên giá xuất khẩu lại có xu hướng giảm, đó là chưa kể việc vận chuyển sẽ khó khăn hơn.

Theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó

Theo Bộ Công Thương, Nga là thị trường tiềm năng của Việt Nam, xét cả khía cạnh nhập khẩu và xuất khẩu. Số liệu cho thấy, năm 2021 Việt Nam xuất sang Nga 3,2 tỷ USD; nhập khẩu từ nước này 2,3 tỷ USD, tăng 15%.

Còn với Ukraine, kim ngạch xuất khẩu không lớn, dưới 1 tỷ USD, nhưng đây lại là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu.  Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD, tăng gần 51% so với năm 2020. Thủy sản, giày dép, máy tính điện tử... là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang quốc gia này.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước (trong đó có Việt Nam) gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khí đốt - dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô… trong thời gian tới.

Chưa kể, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá. Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình căng thẳng và các rủi ro có thể xảy ra với nền kinh tế. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số biện pháp cụ thể bước đầu. Bộ Công Thương lưu ý đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Cùng với đó, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Thu Trang (baotintuc.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem