Doanh nhân “miệt vườn” chia sẻ bí kíp để… tồn tại

Quốc Hải Thứ năm, ngày 13/10/2022 07:26 AM (GMT+7)
Những “doanh nông” - cách tự xưng của những bạn trẻ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa - đã có những góc nhìn khác nhau để tồn tại và phát triển dự án sau cuộc thi khởi nghiệp. Với họ, cuộc thi không chỉ là sân chơi mà phải là một hành trình học hỏi để nuôi dưỡng khát vọng
Bình luận 0
Doanh nhân “miệt vườn” chia sẻ bí kíp để… tồn tại - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Cát Thủy (Đồng Tháp), giải nhì cuộc thi dự án khởi nghiệp năm 2018, chia sẻ về cách lèo lái giúp doanh nghiệp khởi nghiệp của mình vượt qua khó khăn... Ảnh: Trần Quỳnh

Tại tọa đàm "Khởi nghiệp xanh - Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA tổ chức chiều 12/10 tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Cát Thủy (Đồng Tháp), giải nhì cuộc thi dự án khởi nghiệp năm 2018, cho biết, sau một thời gian khởi nghiệp, sản phẩm bánh chuối phồng Tư Bông của chị đã ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, đón nhận, xuất hiện nhiều ở nhiều sân bay trên cả nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là giai đoạn chị đã dành thời gian suy nghĩ để làm ra những sản phẩm mới, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn.

"Bí kíp" gì để dự án khởi nghiệp tồn tại?

Vì sao một doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp lại tồn tại và phát triển mạnh, đặc biệt sau bối cảnh dịch bệnh kéo dài 2 năm qua? Chị Cát Thủy cho rằng, nhờ vào hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Theo chị Thủy, trong hoạt động kinh doanh, cái gì số hóa được thì làm ngay, từ quản lý thông tin khách hàng đến các hoạt động khác.

"Do tôi là cử nhân về công nghệ thông tin nên đã luôn tận dụng lợi thế này để phát triển việc kinh doanh, khởi nghiệp. Đặc biệt, Khi bản thân có tư duy về số hóa thì không tốn quá nhiều tiền cho việc đó. Khó có thể sống sót được nếu không có công nghệ thông tin", chị Thủy chia sẻ.

Doanh nhân “miệt vườn” chia sẻ bí kíp để… tồn tại - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit (bìa trái), chia sẻ kinh nghiệm với các "doanh nông" trẻ... Ảnh: Trần Quỳnh.

Anh Phạm Đình Ngãi, giải nhất cuộc thi dự án khởi nghiệp năm 2020 với dự án mật hoa dừa Sokfarm thì lại đề cao tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm.

Theo Ngãi, các chứng nhận tiêu chuẩn sẽ góp phần giúp cho sản phẩm chiếm được niềm tin được người tiêu dùng; đồng thời cho rằng cần phải có nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ cho từng nhóm đối tượng khách hàng phù hợp, từ đó doanh nghiệp mới phát triển mang tính bền vững hơn.

Doanh nhân “miệt vườn” chia sẻ bí kíp để… tồn tại - Ảnh 3.

Sản phẩm khởi nghiệp của các "doanh nông"... Ảnh: Trần Quỳnh

Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Hương, giải nhất cuộc thi dự án khởi nghiệp năm 2019 với các sản phẩm bột rau má, cho rằng việc xây dựng các tiêu chuẩn như HACCP, ISO, FDA, OCOP… là hết sức quan trọng. Cũng chính điều này đã giúp các sản phẩm từ rau má của cô không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU).

"Hiện chúng tôi có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đó là các sản phẩm bột được chế biến từ các loại rau quen thuộc như: bột rau má, bột diếp cá, một chùm ngây, bột lá sen, bột lá tía tô. Hiện sản phẩm bột rau má đã được đề cử lên OCOP 5 sao", bà Hương nói thêm.

Tiềm năng  lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp còn rất lớn

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho biết, lợi thế của các bạn trẻ khi khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là họ luôn có một khát vọng mãnh liệt, luôn mong muốn tạo nên giá trị cho nguồn tài nguyên bản địa.

Theo ông Viên, các bản trẻ khởi nhiệp hiện nay ngày càng trưởng thành, biết áp dụng số hóa; đồng thời cho rằng nước ta có rất nhiều tiềm năng, cơ hội trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp.

"Cái khó nhất là các bạn có mở lòng hay không, có sẵn sàng đón nhận cái mới hay không. Nếu các bạn đã chuẩn bị được tâm lý, hành trang đó thì doanh nghiệp sẽ có bước nhảy vọt, theo từng giai đoạn", ông Viên nhấn mạnh.

Doanh nhân “miệt vườn” chia sẻ bí kíp để… tồn tại - Ảnh 4.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệp cho các bạn trẻ khởi nghiệp... Ảnh: TQ

Trong 2 ngày 15 và 16/10 tới, vòng chung kết cuộc thi "Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo" sẽ diễn ra tại TP.HCM với 30 dự án tham gia.

Các dự án đến từ 20 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước như: TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn…

Đặc biệt, dù đang rất bận rộn với các công việc cuối năm của Vinamit, ông Viên vẫn cố gắng đến dự hoạt động của Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC). Nguyên do vì muốn góp sức ở khâu quan trọng nhất là thương mại hóa các sản phẩm cuối cùng của các dự án. Đó là điều có ý nghĩa và quan trọng nhất.

"Nhiều dự án còn non, chưa đủ lực ra thị trường, nhưng cần phát hiện từ khi còn là một mầm non mới nhú, để nuôi dưỡng, hỗ trợ kịp thời", ông Viên nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, cho biết, nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp luôn quan tâm đến nguồn vốn và thích làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Theo bà Vân, vốn luôn có nhưng các bạn trẻ có sẵn sàng để được cấp vốn hay không là một câu chuyện, đặc biệt là các bạn khởi nghiệp về nông nghiệp.

Doanh nhân “miệt vườn” chia sẻ bí kíp để… tồn tại - Ảnh 6.

Kinh nghiệm khởi nghiệp được nhiều người trẻ quan tâm... Ảnh: Trần Quỳnh

"Sau dịch Covid-19, các nhà đầu tư luôn mong muốn các  mô hình kinh doanh phải phát triển bền vững, có khả năng tạo ra doanh thu, khả năng thương mại hóa tốt, có nền tảng để sống được", bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, khi bắt đầu khởi nghiệp thì cần tập trung vào sản phẩm chủ lực để giúp dự án, doanh nghiệp tồn tại. Sau đó mới có thể nghĩ đến câu chuyện xa hơn như gọi vốn, vươn ra thị trường thế giới…

Theo bà Vũ Kim Anh, Phụ trách mạng lưới Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC), thông qua cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạng (Khởi nghiệp xanh), đã có gần 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước ra đời.

"Với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp, bền bỉ 10 năm qua, SKC đã tổ chức cuộc thi "Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa". Cho đến hiện tại, đã có gần 1.170 dự án và ý tưởng tham gia với khoảng 1.598 lượt thành viên tham dự 8 cuộc thi", bà Kim Anh cho biết.

Ngoài ra, SKC còn đào tạo, hướng dẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn Haccp, Localgap, Globalgap, ISO để tham gia xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Đã có gần 391 lớp tập huấn, với khoảng 28.800 lượt thành viên tham dự.

"Bên cạnh các chương trình trên, SKC đã tổ chức cho 9.710 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia 20 kỳ hội chợ HVNCLC, hơn 270 phiên lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia 10 lượt Hội chợ quốc tế, bà Kim Anh chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem