Doanh số di động toàn cầu giảm mạnh, các nhà sản xuất hàng đầu "bất lực"

Thứ năm, ngày 11/05/2023 13:00 PM (GMT+7)
Theo như báo cáo mới nhất của Counterpoint Research, ngành công nghiệp di động toàn cầu vẫn chưa thể thoát khỏi sự suy thoái do sụt giảm doanh thu…
Bình luận 0

Theo dữ liệu mới nhất của Counterpoint Research, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường cho biết, tổng doanh thu của ngành công nghiệp di động toàn cầu trong quý 1/2023 là 280,2 triệu chiếc, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái (326,4 triệu trong quý 1/2022). Top 5 hãng di động bán chạy nhất trên toàn cầu trong quý này là Samsung, Apple, Xiaomi, OPPO và Vivo, tuy nhiên họ vẫn ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với năm ngoái.

Doanh số di động toàn cầu giảm mạnh, các nhà sản xuất hàng đầu "bất lực"

 - Ảnh 1.

Doanh thu của ngành công nghiệp di động toàn cầu quý 1/2023 (Nguồn: Counterpoint Research)

Theo như thống kê thì Apple là hãng điện thoại có lượt sụt giảm ít nhất, chỉ với 2%, thấp hơn rất nhiều so với các hãng còn lại. Ngoài ra, lượng tiêu thụ điện thoại của Apple chỉ ít hơn 2 triệu chiếc so với Samsung đang đứng đầu, vậy nên khi xét theo mức giá và tỷ suất lợi nhuận thì mảng kinh doanh của Apple trong quý 1 vẫn đóng góp nhiều lợi nhuận nhất.

Trong báo cáo tài chính mới nhất được Apple công bố cách đây không lâu, doanh thu của Apple trong quý 1/2023 là 117,154 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng đạt 29,998 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 13%. Nhưng sự sụt giảm dữ liệu của Apple không phải do mảng kinh doanh điện thoại gây ra, doanh số bán iPhone đạt 51,33 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tim Cook tin rằng, điều dẫn đến sự tăng trưởng "ngược chiều" của iPhone là do sức nóng của sản phẩm tại thị trường Châu Á-Thái Bình Dương. Được biết, trong những quý gần đây, doanh số bán iPhone tại các thị trường như Ấn Độ, Indonesia và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã tăng lên và Apple đã có được một lượng lớn người dùng mới. Đồng thời, dòng iPhone 14 với tư cách là sản phẩm chính đã và đang duy trì khả năng cạnh tranh mạnh mẽ và thu được phần lớn lợi nhuận trong ngành nhờ giá cả khá thực tế, cấu hình cân bằng hơn. 

Trong khi đó, những nhà sử dụng hệ điều hành Android như Samsung, Xiaomi, OPPO và Vivo lại phải đối mặt với sự sụt giảm lớn hơn. Trong số đó, Samsung là một thương hiệu rất được ưa chuộng ở Trung Quốc và các thị trường cốt lõi của hãng vẫn là Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và một số khu vực khác. Mảng kinh doanh điện thoại di động của Samsung đã được triển khai trên toàn cầu trong một thời gian dài với dòng sản phẩm khổng lồ và mức giá bao phủ toàn diện.

Counterpoint Research tin rằng, vị trí số một thế giới của Samsung không thể tách rời khỏi sự thành công của dòng S23 và các mẫu dòng A. S23 đã giúp Samsung ổn định một phần thị trường cao cấp, trong khi dòng A lại đóng góp rất nhiều vào doanh số bán hàng. Tuy nhiên, Samsung cũng không thể ngăn chặn xu hướng giảm chung của toàn thị trường. 

Ngành công nghiệp di động đã bước vào giai đoạn trưởng thành và rất khó để các nhà sản xuất sử dụng hệ điều hành Android có khả năng bứt phá. Sự suy thoái của ngành công nghiệp di động không phải là một chủ đề mới. Ngay từ trước khi dịch bệnh bùng phát, ngành công nghiệp này đã phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán hàng. 

Hiện nay, toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại di động đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng và bước vào thời kỳ phẳng lặng. Điện thoại di động đã trở thành sản phẩm trưởng thành cao, khó có thể xảy ra những đổi mới lớn, hướng cập nhật về cơ bản là cố định, không gì khác ngoài việc nâng cấp các kích thước hiện có như màn hình, chip và hình ảnh để mang lại trải nghiệm tốt hơn. Nếu không có những thay đổi quá lớn, họ sẽ không có lý do gì phải thay sang một chiếc điện thoại mới trong khi cái đang sử dụng vẫn dùng tốt.

Theo như báo cáo của Counterpoint, năm 2023 nhiều khả năng không phải là "mùa xuân" của ngành công nghiệp di động. Đứng trước tình cảnh trên, các nhà sản xuất điện thoại di động liên tục tìm cách phá vỡ tình thế, các mánh lới quảng cáo tiếp thị khác nhau trên thị trường điện thoại di động và sự ra đời điên cuồng của các sản phẩm điện thoại di động đều phản ánh sự lo lắng của các thương hiệu.

Lý do chính dẫn đến sự sụt giảm của ngành là tốc độ tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, xét theo góc độ của thị trường chứng khoán, điện thoại di động vẫn là sản phẩm điện tử tiêu dùng lớn nhất trên thị trường hiện tại và tương lai, với số lượng xuất xưởng hàng năm trên 1 tỷ chiếc, đủ khiến các ngành khác phải ghen tị. Bất chấp sự xuất hiện của các khái niệm mới như kính thông minh và AR/VR, chúng vẫn không thể làm lay động được vị trí của điện thoại di động. Ngay cả khi tương lai là một thế giới có ngôi nhà thông minh và mọi thứ được kết nối, thì điện thoại di động rất có thể vẫn là thiết bị trung tâm quan trọng nhất.

Nghĩ tích cực hơn thì trong năm 2023, các nhà sản xuất điện thoại sẽ tiếp tục nỗ lực cho ra sản phẩm, liên tục đổi mới cấu hình, giá bán không ngừng tăng. Chúng ta có thể không mua được những sản phẩm điện thoại đột phá và sáng tạo lý tưởng, nhưng chúng ta có thể có những lựa chọn với cấu hình sang trọng hơn và hiệu suất cao hơn. Đối với những người tiêu dùng thực tế, đây chắc chắn là một tin vui.


Ngô Huyền (Theo Vneconomy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem