Doanh thu tháng 6 của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn tăng 15%, đóng góp chủ yếu từ thị trường Mỹ

Quốc Hải Thứ ba, ngày 13/07/2021 15:00 PM (GMT+7)
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ thị trường Mỹ của Vĩnh Hoàn (VHC) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng hai chữ số (77%) nhờ nhu cầu tăng cao tại các nhà hàng và ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ. Nhờ đó, tổng doanh thu tháng 6 của “nữ hoàng cá tra” tăng tới 15%, đạt 713 tỷ đồng…
Bình luận 0

Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa có báo cáo tình hình kinh doanh tháng 6/2021 với tổng doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tháng 6 của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn tăng 15%, đóng góp chủ yếu từ thị trường Mỹ  - Ảnh 1.

Chế biến cá tra tại thủy sản Vĩnh Hoàn (Ảnh: kinhtechungkhoan.vn)

Trong đó, dòng sản phẩm cá tra tiếp tục đóng vai trò chính trong cơ cấu doanh thu của VHC, với 478 tỷ đồng, chiếm 67% trong tổng doanh thu. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu mảng cá tra tăng tới 16% (cùng kỳ năm trước đạt 411 tỷ đồng).

Doanh thu sản phẩm phụ cũng tăng tới 45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 161 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 111 tỷ đồng); sản phẩm giá trị gia tăng cũng tăng 19%, đạt 13 tỷ đồng.

Ngược lại, mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sản phẩm khác ghi nhận sụt giảm 39% và 4% so với cùng kỳ, lần lượt đạt con số 43 tỷ và 18 tỷ đồng.

Xét theo khu vực xuất khẩu, trong tháng 6, thị trường Mỹ tiếp tục được cải thiện với mức tăng trưởng 77% lên 298 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn. Theo công ty, kết quả này đến từ nhu cầu tăng cao của nhà hàng và các ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ.

Thị phần các sang nước khác cũng tăng 5%, lên mức 206 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 195 tỷ đồng).

Doanh thu tháng 6 của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn tăng 15%, đóng góp chủ yếu từ thị trường Mỹ  - Ảnh 2.

Doanh thu của VHC tháng 6/2021 so với cùng kỳ (không tính Sa Giang). Đvt: Tỷ đồng (Ảnh: Báo cáo của HVC)

Song, thị phần tại thị trường châu Âu và Trung Quốc, giá trị xuất khẩu có sự suy giảm lần lượt là 25% và 12%, tương ứng với doanh thu lần lượt chỉ còn 100 tỷ và 109 tỷ đồng.

Nguyên nhân sụt giảm của thị trường Châu Âu (giảm 25%) và Trung Quốc (giảm 12%), được lý giải là do nguy cơ tái xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta.

Tuy nhiên, nếu so với tháng 5/2021, tổng doanh thu VHC ghi nhận giảm 4% chủ yếu đến từ sự sụt giảm ở các mảng chăm sóc sức khỏe và cá tra, trong khi sản phẩm phụ và giá trị gia tăng đồng loạt tăng. Về thị trường, hầu hết các thị trường chính đều tuột dốc như Hoa Kỳ (giảm 5%), Châu Âu (giảm 10%) và Trung Quốc (giảm 9%), duy chỉ có ở thị trường khác tăng 5% so với tháng trước.

Doanh thu tháng 6 của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn tăng 15%, đóng góp chủ yếu từ thị trường Mỹ  - Ảnh 3.

Doanh thu của VHC tháng 6/2021 so với tháng 5/2021 (không tính Sa Giang). Đvt: Tỷ đồng (Ảnh: Báo cáo từ VHC)

Về phía Công ty con của VHC là Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC), doanh thu tăng 8% so với tháng trước. Trong đó, sản phẩm chính là bánh phồng tôm tăng 7%, sản phẩm gạo tăng 9% và khác tăng 26%. Doanh thu tăng chủ yếu ở thị trường Châu Âu đã bù đắp cho phần sụt giảm ở thị trường trong nước.

Liên quan đến "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn, mới đây, ngày 28/6/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) cho giai đoạn rà soát từ ngày 1/8/2018 - 31/7/2019 đối với cá tra - basa của Việt Nam. Trong kết luận cuối cùng, DOC xác định mức thuế CBPG đối với Vĩnh Hoàn và Nam Việt trong đợt rà soát này là 0 USD/kg.

Đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra-basa khác của Việt Nam, mức thuế CBPG không thay đổi, vẫn ở mức 2,39 USD/kg.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện tại VHC và Biển Đông hiện chiếm gần 90% giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Vì thế, nếu các đợt rà soát thuế POR tiếp theo tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Mỹ, vị thế độc quyền của VHC và Biển Đông tại đây có thể sẽ bị đe dọa.

"Giả định kịch bản gỡ bỏ thuế chống bán phá giá cho nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam hơn trong những năm tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể chứng kiến một sự tái định vị thị phần cho tất cả các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam, trong đó VHC và Biển Đông sẽ có thể chứng kiến thị phần bị giảm tại thị trường Mỹ", báo cáo của VDSC nêu.

Ngoài ra, VDSC cũng đưa ra dự báo, thị phần của VHC tại Mỹ có thể chỉ giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021 nếu ANV xuất khẩu sang Mỹ, do sản lượng xuất khẩu của ANV còn nhỏ so với VHC và ANV sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm khách hàng cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem