Độc giả phẫn nộ, xấu hổ về câu chuyện "khủng bố" giám đốc Nhật

Văn Phong (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 27/03/2016 06:45 AM (GMT+7)
Câu chuyện về ông Tango Hirosuke (77 tuổi, Giám đốc người Nhật Bản của Công ty Tango Candy) dũng cảm một mình chống lại nhóm bảo vệ của chủ đầu tư KCN là Công ty Tân Đức đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ của độc giả Dân Việt.
Bình luận 0

Bài viết đăng trên Dân Việt sau 1 ngày đã nhận được con số kỷ lục là 259 bình luận và con số này vẫn chưa dừng lại. Đa phần bạn đọc thể hiện sự phẫn nộ, cũng như cực lực lên án cách hành xử côn đồ của chủ KCN Tân Đức.

Độc giả có tên Haisao đặt câu hỏi: “Cách hành xử của Tân Đức là vô văn hóa trong môi trường kinh doanh! Càng khâm phục cách làm của người Nhật! Việt Nam sẽ đi lên thế nào đây...???!!!”. Đồng quan điểm này, độc giả Đặng Hùng nhận xét: “Điều nguy hại nhất đã thành hiện thực. Nếp sống ăn xổi và văn hóa hành xử côn đồ đã lên ngôi. Chính quyền cố tình không can thiệp, để sự việc kéo dài”.

Bên cạnh đó là rất nhiều ý kiến bày tỏ sự xúc động thật sự trước nhân cách trung thực và đáng kính trọng của ông Tango Hirosuke, bạn đọc Minhanh cho biết: “Đọc bài báo mà mình không cầm được nước mắt. Xúc động vì hành xử của ông. Tim đau vì biết người Việt sẽ còn nghèo, còn nhiều bất công sẽ luôn bám riết lấy họ vì chính họ tạo nên và để điều đó xảy ra bởi những lợi ích nhỏ cá nhân”... Độc giả Nguyễn Hải viết: “Xin lỗi ngài Hirosuke! Một con người đáng kính”.

img

Ông Tango Horasuke (77 tuổi) đứng cùng công nhân của mình. Hơn 250 công nhân của ông đều là người nghèo, sức khỏe yếu nên chọn công việc làm kẹo thủ công cùng ông chủ Nhật.

Độc giả HTS thốt lên: “Thật là xấu hổ vô cùng! Xin lỗi ông Tango Hirosuke và Công ty Tango Candy. Lên án hành động của Công ty Tân Đức, một công ty có cái tên rất kêu nhưng làm ăn thất đức”.

Còn một bạn đọc có tên Minh Bùi thì cho biết: "Gần đây rất nhiều tình trạng con nợ không trả được nợ thế là bọn chủ nợ khóa cửa, ném chất bẩn vào nhà v.v... tưởng bọn xã hội đen mới làm như thế, hóa ra một công ty to đùng cũng làm như thế, mà có phải là đòi nợ đâu, là tranh chấp gì đó. Công anở đâu, pháp luật VN ở đâu mà để cho xã hội đen trá hình làm loạn thế nhỉ?".

Bạn đọc Chinh Trần cũng bày tỏ sự xấu hổ: “Tôi cũng là người Việt nhưng cảm thấy xấu hổ vì những hành động của Công ty Tân Đức. Nói gì đi nữa cách hành xử thiếu văn hóa như vậy không thể chấp nhận được. Đừng để dân tộc Việt bị mang tiếng xấu như vậy trên thế giới”.

Độc giả Lê Thọ Phúc bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ trước ông Giám đốc người Nhật Bản: “Thật xấu hổ cho đồng bào và dân tộc Việt Nam, cả bên Công ty Tân Đức lẫn những người công nhân được ông bảo vệ. Có một người chủ tốt, tạo cho mình công việc, bữa cơm thì phải cùng ông bảo vệ quyền lợi đến cùng chứ. Tôi thật sự cúi đầu để tỏ lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ ông. Ông đã dạy cho chúng tôi một bài học quý giá. Kính mong cơ quan chức năng vào cuộc để lấy lại sự công bằng và hình ảnh Việt Nam. Chúc ông Hirosuke vững bước và thật nhiều sức khỏe”.

Ngoài sự bất bình, xấu hổ, nhiều độc giả đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý vụ việc này, độc giả Mai Văn Hoạt viết: “Vì lợi ích cục bộ phi lý của một khu công nghiệp mà làm mất thể diện quốc gia, vi phạm luật pháp làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư đi ngược với chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ với nguyện vọng của nhân dân. Tôi đề nghị các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý nghiêm minh và không để các hành động tương tự phát sinh”.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến của độc giả cho rằng cần có cái nhìn hai chiều trước khi phán xét chủ KCN Tân Đức. Tuy nhiên, những phản hồi này vấp phải những lập luật hết sức đanh thép của các bạn đọc khác về sai phạm của KCN Tân Đức khi sử dụng những hành vi côn đồ.

“Mọi người không nên quá phiến diện. Người Nhật cũng có nhiều loại người. Mọi sự việc đều có nguyên nhân của nó. Nói thật, chỉ vì chênh lệch 15 triệu đồng mà để thiệt hại 200.000USD và nhiều hơn nữa thì có thể kết luận ông Giám đốc này đúng là người Nhật kiểu gì ấy. Cứ là người Nhật thì được quyền giữ nguyên tắc? Thế nguyên tắc của công ty VN thì sao? Phải xóa bỏ để ưu tiên người Nhật? Đây là VN, nhập gia phải tùy tục. Đừng mang cá tính của mình làm cao rồi bắt người khác phải tôn trọng” - độc giả Tony Nguyen cho biết.

Độc giả Quang Phúc Đoàn tranh luận lại: “Vấn đề là bên nào vi phạm luật? Tại sao không đem ra tòa án phán xử lại có hành động đổ đất, cắt nước hay không chịu trả phí kéo dài? Chính quyền sao không vào cuộc để điều chỉnh hành vi cả hai bên khi họ hưởng lương từ thuế, phí do dân và doanh nghiệp đóng?”.

Độc giả Huong nhận xét: “Người Nhật rất nguyên tắc và minh bạch, mình đã nghe rất nhiều người Nhật nói nếu là đúng và rõ ràng thì bao nhiêu tiền cũng nộp còn không rõ ràng thì một đồng cũng không chấp nhận. Việt Nam nên học văn hoá này của người Nhật. Rất mong cơ quan chức năng bảo vệ những người như ông Hirosuke”.

Theo những thông tin từ PV Dân Việt ghi nhận thì được biết ông Hirosuke bắt đầu xây dựng xưởng bánh kẹo năm 2007, trong hợp đồng không ghi rõ phí dịch vụ cụ thể là bao nhiêu. Năm 2013, KCN Tân Đức tự ý đẩy giá lên cao 10.000 đồng/m2, trong khi các KCN xung quanh chỉ có 6.000 - 8.000 đồng/m2.

Những phản hồi của bài viết “Ông Giám đốc người Nhật 77 tuổi và nỗi xấu hổ cho người Việt” trên Dân Việt thực sự cho thấy độc giả của báo đã hết sức quan tâm và góp tiếng nói chống lại cái xấu, cái ác, nhất là liên quan đến phương diện quốc gia trong trường hợp này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý độc giả và hy vọng trong thời gian tới đây, các bạn sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành, “làm báo cùng Dân Việt” thông qua việc cung cấp những thông tin mới nhất, nóng nhất trên mọi lĩnh vực của đời sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem